Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng: Giải pháp tối ưu chống biến đổi khí hậu

08:34, 26/03/2014
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây lúa đã được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây. Những mô hình chuyển dịch thành công không chỉ tăng đáng kể giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác, giúp nông dân tăng việc làm và thu nhập mà còn cho thấy hiệu quả trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
 
Với đặc thù của vùng đất Tây Nguyên, việc trồng trọt trong vụ đông xuân của Dak Lak phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện nguồn nước. Những năm gần đây, BĐKH đã tác động không nhỏ đến kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng. Nền nhiệt tăng, lượng nước ngầm giảm sút đã khiến nhiều diện tích canh tác trước đây có nước sản xuất, nay rơi vào tình trạng khô cạn. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có đến 3.000 ha đất sản xuất thuộc diện bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết. Trong số này, hằng năm có đến cả nghìn héc-ta bị mất trắng do hạn hán. Chỉ tính trong vụ đông xuân năm nay, mới ở giai đoạn đầu mùa khô nhưng đã có hơn 600 ha bị mất trắng do thiếu nước. Trước thực trạng trên, vấn đề chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng đã được đặt ra một cách cấp bách. Khi triển khai kế hoạch sản xuất, Sở NN-PTNT luôn có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch diện tích cây trồng, cơ cấu giống cây trồng, khung lịch thời vụ kịp thời cho từng vùng, tăng cường chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là diện tích lúa nước bấp bênh về nguồn nước tưới, thường xuyên bị khô cạn chuyển sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác có nhu cầu nước ít hơn như ngô, khoai lang, thuốc lá, dưa hấu... Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên diện tích đất lúa bấp bênh nguồn nước sang trồng bí đỏ cho doanh thu đạt 60 triệu đồng/ha; mô hình trồng khoai lang Nhật cho doanh thu từ 45 đến 48 triệu đồng; mô hình trồng cây thuốc lá doanh thu đạt 80-92 triệu đồng/ha. Riêng trong vụ đông xuân năm nay, Sở NN-PTNT cũng đã cho phép Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thử nghiệm chuyển đổi diện tích lúa nước bấp bênh tại các huyện Lak, Cư Kuin, Buôn Đôn, Krông Bông, Cư M'gar, Krông Pak sang trồng cây ngô lai với tổng diện tích trên 30 ha, đến nay vẫn đang phát triển tốt.
 
Trong điều kiện hiện nay chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp sẽ giúp hạn chế sự phụ thuộc vào nước.
Trong điều kiện hiện nay, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp sẽ giúp hạn chế sự phụ thuộc vào nước.

Đó là những kết quả bước đầu mà việc chuyển đổi cơ câu giống cây trồng mang lại. Phó Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT) Trần Quang Tây cho biết, thời gian qua Sở NN-PTNT đã có những động thái tích cực trong vấn đề này như khuyến khích các địa phương, các doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên diện tích đất lúa bấp bênh nguồn nước, nhưng tốc độ chuyển dịch vẫn chưa theo kịp với nhu cầu thực tế. Vụ đông xuân 2012-2013 diện tích chuyển đổi đất lúa bấp bênh sang cây trồng khác đạt 518 ha, vụ đông xuân 2013-2014 chuyển đổi được 1.109 ha, chiếm 3,69% tổng diện tích lúa nước vụ đông xuân của toàn tỉnh. Nguồn kinh phí khuyến nông phục vụ cho công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hằng năm còn hạn chế, chưa có điều kiện để nhân rộng những mô hình chuyển đổi có hiệu quả hơn cho nông dân, nhất là nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi thành công là đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay đầu ra cho sản phẩm thường không ổn định khiến nông dân chưa mạnh dạn trong việc chuyển đổi cây trồng. Theo ông Trần Quang Tây, để chuyển đổi thành công diện tích cây trồng bấp bênh nguồn nước trên địa bàn tỉnh cần xây dựng những mô hình trình diễn về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất lúa, có chính sách hỗ trợ về vốn, cây giống cho người sản xuất trong việc chuyển đổi sang cây trồng mới trên đất lúa còn khó khăn về nguồn nước. Tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, có sự quan tâm, chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa người sản xuất với nhà doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất…

Trong điều kiện BĐKH đang diễn ra rất phức tạp, sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên diện tích đất lúa bấp bênh về nước không phải chỉ là vấn đề của Dak Lak mà của cả nước. Dự kiến cuối tháng 3 này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) sẽ tiến hành Hội nghị về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất lúa bấp bênh về nước tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đây là cơ hội tốt giúp Dak Lak tham khảo những mô hình chuyển đổi tốt ở các địa phương trong khu vực để áp dụng tại địa phương.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc