Multimedia Đọc Báo in

Thu phí bảo trì đường bộ xe mô tô: Người dân chưa quan tâm

10:36, 12/03/2014

Đến nay, Nhà nước chưa có chế tài xử phạt chủ phương tiện không đóng phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, trong khi cách thức thu phí mỗi nơi mỗi khác nên người dân vẫn còn băn khoăn và chưa mấy quan tâm đến công tác này.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Theo tìm hiểu của phóng viên về việc kê khai đầu phương tiện ở các địa phương trong tỉnh thì mỗi nơi làm một kiểu, có nơi thực hiện kê khai, tổng hợp số liệu trước rồi mới tiến hành thu phí như xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), còn thực hiện kê khai và nộp phí cùng một thời điểm là xã Hòa Đông (huyện Krông Pak). Trong khi đó, quá trình thu của các địa phương cũng thiếu sự đồng nhất, chẳng hạn tại thôn 18, xã Ea Bar, năm 2013 thôn thu được khoảng 30 đầu phương tiện, trong khi thôn có đến 119 hộ dân (trung bình mỗi hộ 1 phương tiện chịu phí). Theo ông Lê Quang Trí, trưởng thôn 18, tỷ lệ thu phí trên địa bàn đạt thấp do triển khai muộn dẫn đến việc truy thu hết sức khó khăn, đa số người dân không chịu nộp phí truy thu của năm 2013 mà chỉ nộp phí năm 2014. Do đó tạm thời thôn chỉ thu phí của năm 2014 mà không truy thu năm trước. Còn tại xã Hòa Đông, từ đầu năm 2014 xã triển khai thu phí năm 2014, đồng thời truy thu phần phí tồn đọng của năm 2013 nhưng bị người dân phản ứng gay gắt với việc truy thu năm 2013, vì họ cho rằng năm 2013 không phải người dân không chịu nộp phí mà do cơ quan Nhà nước không đến thu, dẫn đến giờ phải nộp 1 lần cho 2 năm là quá nhiều… Anh N.H.T (xã Hòa Đông) bức xúc: năm 2013 không thấy địa phương đến thu phí, giờ lại tiến hành thu 1 lần 2 năm gây khó khăn cho người dân. Mức thu phí quy định tuy không nhiều, nhưng với những gia đình có từ 2 đến 3 phương tiện trở lên mà nộp 1 lần như vậy thì tổng số tiền phải nộp sẽ rất cao. Ông Đinh Xuân Hùng, trưởng thôn 15 cho hay, từ sau Tết đến nay thôn đã tiến hành thu phí, thông báo trên đài truyền thanh của thôn để người dân đến hội trường nộp phí, nhưng khi thôn yêu cầu nộp cho 2 năm thì người dân không đóng…

Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song số lượng chủ phương tiện  đến nộp phí bảo trì đường bộ đối với mô tô tại xã Hòa Đông khá thưa thớt.
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song số lượng chủ phương tiện đến nộp phí bảo trì đường bộ đối với mô tô tại xã Hòa Đông khá thưa thớt.

Truy thu... không khả thi

Tháng 10-2013, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Dak Lak được thành lập, với nhiệm vụ tiếp nhận kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ, nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung hàng năm chi cho sự nghiệp giao thông, nguồn thu phí đường bộ đối với mô tô trên địa bàn tỉnh và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo trì, bảo dưỡng, quản lý hệ thống đường bộ do tỉnh quản lý. Về công tác truy thu tiền phí của năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã có văn bản gửi UBND các địa phương đề nghị phải hoàn thành việc thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô năm 2014 và truy thu năm 2013 nộp vào tài khoản Quỹ trước ngày 31-3-2014. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này (chỉ còn lại chưa đầy 20 ngày nữa), thì việc hoàn tất thu phí 2014 và truy thu 2013 là không khả thi. Nguyên nhân là do từ đầu năm 2014 đến nay việc triển khai thu phí ở các địa phương rất chậm, thậm chí nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc kê khai. Ông Nguyễn Công Xuân, Ủy viên Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh chia sẻ: đầu năm tình hình kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi đó chế tài xử phạt của cơ quan chức năng chưa có, nên khả năng hoàn thành việc thu phí năm 2014 và truy thu của năm 2013 rất khó khăn. Mặt khác, mẫu biên lai thu phí quá mỏng, chữ dễ bị lem, mờ rất khó đọc và dễ bị rách nát, rất khó cho việc lưu hành…

Dù còn nhiều bất cập, song công tác thu phí trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện những điểm sáng đáng khích lệ. Một trong những địa phương thực hiện tốt công tác thu phí của huyện Krông Pak là xã Ea Knuêc, theo thống kê của Ban Chỉ đạo thu phí, năm 2013, số phương tiện kê khai trên địa bàn là 2.648 chiếc, trong đó xe có dung tích xy lanh trên 100cm3 là 1.546 chiếc, dưới 100cm3 là 1.102 chiếc. Đến nay xã đã thu được trên 160 triệu đồng. Theo đánh giá của ông Trần Đàm, Phó Chủ tịch UBND xã – Trưởng Ban Chỉ đạo thu phí, năm 2013 xã thu được khoảng 90% nên năm nay số lượng truy thu sẽ không nhiều, địa phương sẽ không gặp khó khăn trong truy thu. Đạt được kết quả trên là do xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền; quá trình thực hiện ở xã gặp nhiều thuận lợi, tạo được sự đồng thuận cao trong các khu dân cư. Hiện nay, xã đang đôn đốc ban tự quản các thôn, buôn nhanh chóng triển khai công tác truy thu số phí còn lại của năm 2013 và tiếp tục thu 2014.

Cuối năm 2013, Hội đồng Quản lý Quỹ tỉnh đã đến các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra thực tế về công tác thu phí tại các địa phương. Qua đó, từ năm 2014 để giảm áp lực cho các địa phương, ban quản lý Quỹ đã kiến nghị với UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh thu và thu một lần cho thời hạn 5 đến 10 năm đối với mô tô đăng ký mới; tham mưu với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thống kê lại toàn bộ mô tô trên địa bàn để xây dựng kế hoạch thu phí sát với thực tế. Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh về chế tài xử phạt đối với các xe mô tô không nộp phí; thời gian nộp phí phải tập trung xong trong quý I hàng năm.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.