Chương trình Xây dựng nông thôn mới: Trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh. Những thành công bước đầu đó có sự đồng thuận, tích cực góp công, góp sức của người dân.
Hiệu quả huy động nguồn lực sức dân
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM của tỉnh thì trong 3 năm (2011-2013) tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt 24.618 tỷ đồng. Trong đó, vốn Ngân sách Nhà nước (kể cả Trung ương và địa phương) đầu tư thực hiện chương trình là trên 132 tỷ đồng (chiếm 0,53%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên 5.355 tỷ đồng (chiếm 21,7%); vốn tín dụng 11.659,808 tỷ đồng (chiếm 47,3%); vốn doanh nghiệp 721,938 tỷ đồng (chiếm gần 3%); vốn dân đóng góp 2.732,955 tỷ đồng (chiếm trên 11%). Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ thì các nguồn vốn huy động đều không đạt và không đúng yêu cầu: nguồn vốn tín dụng lên đến 47,3% so với 30% cơ cấu quy định; vốn ngân sách Nhà nước cơ cấu 30%, chỉ đạt 0,53%; vốn từ doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác cơ cấu 20%, chỉ huy động được 3%; vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia cơ cấu 23% chỉ huy động 21,7%; vốn dân đóng góp yêu cầu chỉ 10% nhưng đã huy động tới 11%. Như vậy, để xây dựng NTM, hơn một nửa số vốn dựa vào vốn tín dụng (47,3%) và vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (21,7%), còn lại vốn huy động từ cộng đồng dân cư là lớn nhất (trên 11%).
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, người dân tích cực đóng góp ngày công và tiền bạc để làm đường giao thông nhằm đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: H.G |
Đối với vốn tín dụng, sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng phát triển khu vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo quy định mới, mức vay không tài sản thế chấp sẽ được điều chỉnh tăng (cụ thể mức vay từ 10 triệu đồng được nâng lên 50 triệu đồng với cá nhân; từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng với trang trại; 100 triệu đồng lên 500 triệu đồng với hợp tác xã) đã mở rộng thêm cơ hội cho nông dân tiếp cận vốn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tính bền vững của nguồn vốn này vẫn phải xem xét. Còn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang đầu tư cho 11 chương trình, dự án thì đã có từ trước. Nguồn vốn này được đưa vào Chương trình Xây dựng NTM nhưng quản lý theo ngành dọc nên rất khó điều phối. Trong phần vốn còn lại thì vốn huy động từ cộng đồng dân cư là lớn nhất, đây cũng là nguồn vốn được sử dụng hiệu quả nhất, vì do dân đóng góp tại chỗ và được chính người dân kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên việc huy động nguồn vốn này không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Làm thế nào để “bồi dưỡng” sức dân?
Từ thực tế trên, có thể khẳng định rằng, kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng NTM thời gian qua, nguồn lực sức dân đóng vai trò quan trọng. Qua tuyên truyền vận động thực hiện Chương trình, nhận thức của người dân được nâng cao. Nhưng để huy động sức dân xây dựng NTM, khó khăn hiện nay là thu nhập của nông dân còn thấp. Toàn tỉnh mới có 56 xã có mức thu nhập bình quân đạt chuẩn NTM, 96 xã còn lại mức thu nhập bình quân chưa đạt chuẩn, trong đó khá nhiều xã có thu nhập bình quân dưới 50% mức chuẩn. Với mức thu nhập thấp như vậy, việc huy động nông dân đóng góp xây dựng NTM chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Người dân xã Ea Ning (Cư Kuin) tự nguyện di dời tường rào của gia đình để làm đường giao thông. |
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trang Quang Thành, huy động sức dân xây dựng NTM là hướng đi cơ bản, lâu dài. Thực tế cho thấy, nếu kinh tế địa phương phát triển thì nguồn huy động nhân dân đóng góp xây dựng NTM sẽ cao. Thế nhưng trên địa bàn tỉnh còn nhiều xã nghèo, huyện nghèo thì việc huy động sức dân là rất khó. Vì vậy, tỉnh cần xác định nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng NTM chính là phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn thì nông dân có điều kiện đóng góp xây dựng NTM.
Với nền sản xuất nông nghiệphiện nay, điều quan trọng là phải hướng đến xây dựng nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa. Nghĩa là sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được và tiêu thụ đúng với giá trị vốn có của nó. Muốn làm được như vậy phải tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm từ chính sách đến thực tiễn. Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhằm làm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên tình trạng được mùa, mất giá vẫn là nỗi ám ảnh thực sự với người dân. Chẳng hạn ngay trong mùa vụ này, người dân trồng dưa hấu đang lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì dưa hấu được mùa, rớt giá, thậm chí đợi mãi mà không có người đến mua. Ngay như cà phê - sản phẩm chủ lực của tỉnh thì điệp khúc “được giá mất mùa, được mùa mất giá” vẫn diễn ra thường xuyên… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự phối hợp giữa "4 nhà" trong phát triển kinh tế chưa chặt chẽ và đồng bộ. Việc xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ còn hạn chế, giữa các “nhà” thật sự vẫn có những khoảng cách lớn. Chính vì vậy, để xây dựng NTM ở Dak Lak thành công, trước hết cần phải có được các mô hình kinh tế hiệu quả, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân phải có sự đồng thuận cao. Trong đó Nhà nước phát huy mạnh mẽ vai trò định hướng, phải đưa ra và thực thi những chính sách cũng như chủ trương trên tinh thần hài hòa lợi ích. Đồng tình quan điểm trên, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM Trung ương Lê Huy Ngọ cho rằng, để huy động sức dân xây dựng NTM thì hướng đi cơ bản, lâu dài là phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao có nhiều sản phẩm tiêu thụ trên thị trường đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Đó vừa là điểm xuất phát vừa là mục tiêu của Chương trình Xây dựng NTM.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc