Để nông dân không còn... "đánh bạc với trời"
Gần như năm nào cũng vậy, cứ bước vào mùa khô là sản xuất nông nghiệp của tỉnh lại phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Như vụ đông xuân năm nay, tính đến thời điểm này đã có gần 6.000 ha cây trồng bị hạn, gồm 4.228 ha lúa nước, 660 ha cà phê, trên 1.000 ha ngô và một số cây trồng khác, trong đó diện tích mất trắng gần 1.700 ha (1.252 ha lúa, 445 ha ngô). Mặc dù, từ đầu tháng 4-2014 trên địa bàn tỉnh đã có mưa, nhưng lượng mưa không đáng kể, phân bố chưa rộng nên cũng không khắc phục được tình trạng khô hạn đang diễn biến khá phức tạp ở một số địa phương như Krông Bông, Krông Ana, Lak, M’Drak… Nguyên nhân là do tổng lượng mưa năm ngoái thấp, dẫn đến các ao, hồ, sông, suối duy trì mực nước thấp so với trung bình nhiều năm, trong khi đó mực nước ngầm ngày càng sụt giảm do bị khai thác quá mức để tưới cho cây trồng. Điều này cũng cho thấy sự mất cân đối giữa phát triển sản xuất và phát triển hệ thống thủy lợi, trong khi diện tích sản xuất nông nghiệp tăng với tốc độ chóng mặt, nhất là đối với cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu… thì hệ thống thủy lợi vẫn ì ạch theo sau, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư quy mô nhưng chưa xây dựng được hệ thống kênh dẫn, kênh nội đồng nên không phát huy hết tác dụng, đó là chưa kể việc kiên cố hóa kênh mương còn chậm, nhiều địa phương còn sử dụng kênh bằng đất gây thất thoát nước lớn. Để giải quyết tình trạng trên, nhiều năm nay, Sở NN-PTNT cùng với các địa phương đã siết chặt kế hoạch và hạn chế tối đa việc gieo trồng vượt kế hoạch ở những vùng đất bấp bênh, không có công trình thủy lợi. Tuy nhiên, việc quản lý nông dân gieo trồng đúng kế hoạch cũng gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý trông vào nước trời để sản xuất còn phổ biến, nhất là ở những vùng khó khăn; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương vẫn chưa được chú trọng…
Trước tình hình biến đổi khí hậu, nhu cầu phát triển sản xuất tăng nhanh, nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng có nguy cơ bị thiếu hụt, thì việc cần làm nhất là thực hiện các dự án trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn để tăng cường bảo vệ nguồn nước bổ sung cho hồ chứa trong mùa khô; mặt khác đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm, đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân. Ngoài ra, các địa phương cần bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý; nghiên cứu các giải pháp tưới nước tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và sản xuất đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc