09:14, 19/04/2014
Tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng; cải thiện sinh kế nhằm nâng cao thu nhập của người dân; giải quyết nhu cầu thiết yếu về cơ sở hạ tầng ở nông thôn..., những hiệu quả bước đầu từ Dự án đã góp phần phát triển rừng và nghề rừng, lâm nghiệp cộng đồng ở tỉnh ta.
Toàn tỉnh có 20 xã của 4 huyện: M’Drak, Ea Kar, Krông Bông và Lak được hỗ trợ đầu tư của Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) với tổng kinh phí 11,64 triệu USD. Bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 6-2007, với 4 hợp phần: phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững; xây dựng năng lực thông qua các lớp đào tạo; quản lý dự án và cải thiện sinh kế, Dự án bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là đối với hợp phần quản lý, phát triển tài nguyên rừng. Sau khi hoàn tất công tác đầu tư cơ sở vật chất cho các ban quản lý dự án ở các địa phương, thực hiện công tác quy hoạch, lập kế hoạch quản lý tài nguyên rừng bền vững, năm 2009, Dự án tiến hành triển khai hỗ trợ trồng rừng cho các hộ gia đình, các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Đến nay, đã trồng được trên 7.400 ha rừng sản xuất, đạt 115% kế hoạch, trong đó, rừng do các hộ dân trồng là 1.588,6 ha; DN vừa nhỏ trồng 738,7 ha; các công ty lâm nghiệp trồng được 3.089,9 ha. Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ 4.620 hộ dân cải tạo vườn tạp, với tổng diện tích trên 1.000 ha, đồng thời thực hiện mô hình nông lâm kết hợp với 822,3ha. Các mô hình này đã giúp người dân khai thác tốt quỹ đất, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập.
|
Rừng trồng năm 2009 của người dân buôn Chàm A xã Cư Drăm. |
Theo kế hoạch năm 2014, Dự án tiếp tục hỗ trợ người dân, các công ty lâm nghiệp triển khai trồng mới thêm khoảng trên 5.700 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 4.160 ha, rừng phòng hộ 200 ha; cải tạo vườn hộ 300 ha; nông lâm kết hợp 1.000 ha. Đến nay, các đơn vị đang thiết kế với khối lượng đã đăng ký là 5.870 ha, trong đó trồng rừng sản xuất 4.260 ha, rừng phòng hộ 310 ha. Ông Lương Vĩnh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án FLITCH cho biết, đẩy nhanh tiến độ để Dự án có thể về đích đúng kế hoạch, từ năm 2012, những khó khăn trong công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế quỹ đất trồng rừng cũng như các thủ tục tiếp cận nguồn vốn và ký kết hợp đồng được tập trung giải quyết theo hướng gọn nhẹ, đơn giản hơn. Các hợp phần chính như phát triển và quản lý tài nguyên rừng, cải thiện dân sinh, xây dựng năng lực và quản lý dự án đã được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả khả quan. Các ban quản lý dự án (từ cấp xã đến tỉnh) đã hoàn thành việc điều tra tài nguyên rừng trên địa bàn; xây dựng bản đồ lập địa cấp I,II; phân định ranh giới để giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cộng đồng. Huyện M’Drak đã tổ chức bàn giao được 141 sổ đỏ cho các hộ dân. Cũng bắt đầu từ năm 2012, nguồn vốn phát triển rừng của dự án được khơi thông từ cấp tỉnh cho đến cấp xã, vì vậy tiến độ thực hiện dự án theo đó cũng được đẩy nhanh. Điều đó được minh chứng qua kết quả giải ngân và hiện thực bằng kết quả diện tích rừng trồng được từ năm 2012 đến nay. Nếu như giai đoạn 2009-2011, diện tích rừng trồng ở 10 xã của bốn huyện trong vùng dự án chỉ đạt 1.444,6 ha, thì trong 2 năm 2012-2013, vùng dự án được mở rộng thêm 10 xã, diện tích rừng trồng được trên 4.308 ha. Đối với hợp phần cải thiện sinh kế, đến nay Quỹ Phát triển xã (CDF) đã có 3.885 hộ dân tham gia, với số vốn ban đầu được cấp khoảng 3 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn cho vay đạt trên 6,3 tỷ đồng, với 1.980 lượt hộ được vay. Từ nguồn vốn này, các hộ nghèo đã đầu tư cho phát triển sản xuất và chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Về tính bền vững của Dự án, ông Lương Vĩnh Linh cũng tin tưởng, giai đoạn 2015-2020, các hộ sẽ bắt đầu được hưởng lợi từ Dự án khoảng 40-60 triệu đồng/ha. Theo hợp đồng ký kết, các hộ dân sẽ hoàn trả cho Dự án 150 USD/ha sau khai thác. Số tiền này được bổ sung vào Quỹ CDF để tiếp tục tái đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng cũng như tiếp tục hỗ trợ người dân vay vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống.
Từ những kết quả đạt được cũng như mục tiêu mà Dự án hướng tới, có thể khẳng định đây là dự án phát triển nghề rừng tương đối toàn diện, từ quy hoạch, trồng, giao khoán, bảo vệ rừng cũng như trong phát triển hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái... Việc triển khai thành công Dự án FLITCH tại tỉnh ta sẽ góp phần đẩy nhanh xã hội hóa nghề rừng, trong đó đích đến là quản lý, phát triển rừng bền vững, cải thiện sinh kế, thu hút người dân tham gia, gắn bó với nghề rừng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc