Multimedia Đọc Báo in

Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp: Những thách thức từ thực tế

08:37, 23/04/2014

Phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, thu hút cộng đồng tham gia nghề rừng… là những mục tiêu ngành lâm nghiệp hướng đến trong Đề án Tái cơ cấu ngành mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai trong năm 2014. Tại Dak Lak, quá trình sắp xếp đổi mới, lành mạnh hóa ngành lâm nghiệp được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt trong những năm qua, tuy nhiên, để có thể tái cơ cấu lại ngành còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Kỳ I: Áp lực giữ rừng

Là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên đứng đầu cả nước, nhưng những năm gần đây, rừng ở Dak Lak đang đối mặt với nhiều áp lực trong khi chính quyền địa phương các cấp vẫn còn thiếu biện pháp, chế tài xử lý kiên quyết và triệt để. Bảo vệ rừng ngày nay đã trở thành một “cuộc chiến” bởi vấn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép đang diễn ra ngày một nhức nhối.

Tài nguyên rừng liên tục bị xâm hại nghiêm trọng trong những năm qua nhưng lại thiếu biện pháp xử lý triệt để.
Tài nguyên rừng liên tục bị xâm hại nghiêm trọng trong những năm qua nhưng lại thiếu biện pháp xử lý triệt để.

5 năm mất trên 12.340 ha rừng

Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm nâng cao độ che phủ của rừng, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng của tỉnh  đã tích cực triển khai nhiều biện pháp truy quét, ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, rừng vẫn tiếp tục bị xâm hại, việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra, bình quân mỗi năm, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện xử lý khoảng 2.000 vụ vi phạm lâm luật. Kết quả rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2013 cho thấy, tổng diện tích rừng bị mất gần 28.000 ha, trong đó trước năm 2008 là 15.642 ha, từ năm 2008-2013 là trên 12.340 ha. Cũng trong giai đoạn 2008-2013, ngành kiểm lâm đã phát hiện và xử lý trên 10.000 vụ vi phạm lâm luật, trong đó 9.863 vụ xử lý vi phạm hành chính, khởi tố 137 vụ với 78 đối tượng, tịch thu trên 18.000 m3 gỗ các loại. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do rừng chưa có chủ hoặc rừng đã có chủ nhưng năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm; áp lực dân di cư tự do; cơ chế chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực và vốn đầu tư cho quản lý bảo vệ rừng còn quá thấp, không tương xứng với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tại cuộc họp về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng mới đây của Thường trực Tỉnh ủy, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn thừa nhận: Việc rừng bị khai thác, lấn chiếm trái phép trong những năm qua là do sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng và thiếu trách nhiệm của chính chủ rừng; việc thẩm định, phê duyệt các dự án cho thuê rừng, đất lâm nghiệp trồng cao su chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài trong nhiều năm.

Tuy nhiên, cũng thấy rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng mà chủ yếu là công ty lâm nghiệp, bởi những đơn vị này đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ và kinh doanh, khai thác, nhưng lại để rừng bị mất nhiều nhất, chiếm 57%. Thực tế qua kiểm tra của UBND tỉnh tại 4 công ty lâm nghiệp tại địa bàn Ea Súp, rừng do các công ty quản lý bảo vệ hiện nay chỉ còn khoảng 40-50%, trong khi đơn vị nào cũng được giao từ 15-20 nghìn ha. Đơn cử tại Công ty Rừng Xanh, được giao quản lý bảo vệ khoảng 14.000 ha, nhưng đến nay chỉ còn 7.000 ha, nhưng ngay cả 7.000 ha này cũng không liền ô, liền khoảnh mà chủ yếu rừng còn lại là da beo, da báo. Tình hình các công ty khác trên địa bàn cũng không khá hơn, rừng vẫn đang bị tàn phá nghiêm trọng. Cho nên con số trên 12.340 ha rừng bị phá trong giai đoạn 2008-2013 cũng chưa hẳn là chính xác, cần được rà soát, kiểm tra lại, và xác định rõ từng thời điểm phá rừng. Có thể thấy, phần lớn diện tích rừng của tỉnh bị tàn phá nặng nề là trước 2010, nhất là trong thời gian triển khai các dự án cao su. Cần soát xét lại một cách nghiêm túc để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, ngành, địa phương liên quan.

Rừng đối mặt với nhiều áp lực

Huyện Ea Súp là một trong những địa bàn nổi lên như một điểm nóng về an ninh rừng những năm qua. Ngoài hoạt động mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, vẫn thường xuyên xảy ra thì tình trạng người dân tham gia phá rừng, bao chiếm đất trái phép đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương sở tại. Đây cũng là địa bàn có diện tích rừng bị xâm chiếm trái phép nhiều nhất tỉnh, tập trung ở các vùng dự án trồng cao su của các doanh nghiệp. Ngoài ra, tình trạng vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng ở Ea Súp phức tạp còn do sự phát triển ồ ạt của các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn, áp lực di dân tự do. Theo Hạt Kiểm lâm Ea Súp, năm 2011 trên địa bàn huyện có trên 100 xưởng cưa và cơ sở chế biến đồ mộc dân dụng, mỗi ngày đêm các xưởng này có thể chế biến cả nghìn mét khối gỗ. Việc quản lý bảo vệ rừng nơi đây rất khó khăn còn bởi lực lượng kiểm lâm mỏng; các biện pháp, chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để lâm tặc manh động, vì vậy, không ít chủ rừng phải thừa nhận hệ thống quản lý bảo vệ rừng của đơn vị mình gần như đã bị vô hiệu hóa! Không riêng gì Ea Súp mà vấn đề quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn cũng đang đối mặt với nhiều áp lực, thách thức bởi sự xâm hại của con người. Trong năm 2013, Vườn đã phát hiện và xử lý 27 vụ khai thác gỗ trái phép; 378 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ gỗ; 7 vụ săn bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã. Việc khai thác lâm sản trái phép ở đây khiến tài nguyên rừng đang dần cạn kiệt, mà chủ yếu là những loại gỗ quý hiếm như: căm xe, hương, trắc, gỗ đỏ, cà chít…

Cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar).
Cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar).

Vụ việc 17 hộp gỗ hương với khối lượng gần 1,8 m3 được lực lượng kiểm lâm cơ động phát hiện tại tiểu khu 492 của Vườn cách đây hơn 1 năm (26-3-2013) cũng như 191 lóng gỗ từ nhóm II đến nhóm VI không rõ nguồn gốc, có tổng khối lượng gần 149 m3 tại tiểu khu 245, nằm dọc 2 bên đường 14C đi qua Vườn đã khiến dư luận bàng hoàng, đặt nghi vấn, phải chăng hệ thống quản lý bảo vệ rừng ở đây đã bị tê liệt? Còn ở Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, từ năm 2011 đến nay, an ninh rừng cũng luôn trong tình trạng báo động đỏ, với nạn săn bắt thú rừng và khai thác lâm sản trái phép ngày càng gia tăng. Khu Bảo tồn thiên nhiên này ngày một dễ bị xâm nhập hơn bởi các địa phận giáp ranh, rừng gần như bị xóa sổ. Phía huyện Sông Hinh (Phú Yên) rừng đã được thay thế bằng những vườn cao su; phía Krông Pa (Gia Lai) thì doanh nghiệp đang khai hoang theo dự án; phía giáp với rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Krông Năng thì do yếu kém trong quản lý từ nhiều năm nên rừng ở đây cũng đã gần như trơ trụi, lâm tặc có thể dễ dàng băng qua những khu vực này để vào Khu Bảo tồn, an ninh rừng vì vậy càng khó kiểm soát. Với 71 cán bộ, công nhân viên, trong đó 56 kiểm lâm viên trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng, biên chế tuy đủ theo quy định, nhưng so với diện tích rừng mà đơn vị này quản lý thực tế thì vẫn còn quá mỏng. Ngoài ra, áp lực dân di cư tự do cũng là một trong những thách thức đối với công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây.

Trước tình trạng rừng liên tục bị xâm hại, ngày 16-3-2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND, về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; xử lý vi phạm về phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép... Sau 2 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng đã có những chuyển biến tích cực, xử lý được nhiều điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn, trật tự hoạt động chế biến kinh doanh lâm sản cơ bản đã được lập lại. Tuy nhiên,  đến nay, tình trạng rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm vẫn còn khá phức tạp. Việc giải tỏa, thu hồi diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm trái pháp luật để phục hồi lại rừng theo Chỉ thị 03 gặp nhiều khó khăn…

(Còn nữa)

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc