Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp: Những thách thức từ thực tế (Kỳ II)
Kỳ II: Sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp: Hướng đi đã mở?
Sau 2 lần sắp xếp, chuyển đổi từ lâm trường quốc doanh thành các công ty lâm nghiệp (năm 2006), rồi từ công ty lâm nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) lâm nghiệp (năm 2010), hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước khắc phục những yếu kém, mỗi đơn vị bắt đầu tự lực tìm hướng đi mới cho riêng mình…
Loay hoay tìm lối đi
Toàn tỉnh hiện có 15 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, 6 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 2 vườn Quốc gia, trong đó, 15 công ty lâm nghiệp quản lý trên 208.000 ha, chiếm gần 33% tổng diện tích đất lâm nghiệp và 15,7% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, lợi nhuận hàng năm thu về từ khối kinh tế này không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh bế tắc, không thể tổ chức, triển khai được bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào ngoài việc nằm đợi kinh phí hạn hẹp từ trên rót về, hoặc phải “sống cầm hơi” từ nguồn trích phần trăm cho chỉ tiêu khai thác gỗ tự nhiên được phê duyệt hằng năm. Báo cáo của UBND tỉnh đánh giá về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác phát triển rừng của các công ty lâm nghiệp chỉ rõ, sau khi sắp xếp lại, 15 công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng công tác điều hành vẫn theo mô hình truyền thống, chưa có sự đổi mới, chủ yếu thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng là chính. Những năm gần đây, đa số các công ty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ nên không có nguồn kinh phí để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên.
Ngoài một số đơn vị thực hiện sản xuất kinh doanh có hiệu quả: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, M’Drak, Buôn Ja Wầm…, còn lại hầu hết các công ty lâm nghiệp sau chuyển đổi đều rơi vào tình trạng làm ăn kém hiệu quả, nợ lương của cán bộ, công nhân kéo dài. Đặc biệt, 4 công ty trên địa bàn Ea Súp gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, Ya Lốp, Ia Mơ, Rừng Xanh và 3 Công ty trên địa bàn huyện Ea H’leo: Chư Phả, Ea H’leo, Thuần Mẫn, đều có tiềm lực rất yếu lại không tìm đâu ra nguồn đầu tư để vươn lên. Ngoài yếu tố nguồn vốn, thì sự thiếu năng động, khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh… của các công ty lâm nghiệp còn yếu đã khiến nguồn thu từ khối kinh tế này không đạt kết quả như mong muốn. Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh chia sẻ, mặc dù các công ty lâm nghiệp hoạt động hạch toán độc lập như một doanh nghiệp nhưng không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi nào từ các tổ chức tín dụng, lại “cõng” thêm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nên đã khó lại càng bế tắc hơn. Nguồn cân đối cho công tác quản lý, bảo vệ rừng càng trở nên thiếu trước hụt sau khi chỉ tiêu khai thác gỗ không còn. Những khó khăn vướng mắc của đơn vị đã được ban lãnh đạo công ty trình UBND tỉnh xem xét từ năm 2010 nhưng cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Áp lực nữa là tình trạng dân di cư tự do, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Ea Súp hiện còn trên 1.000 lều lán trại nằm rải rác trong rừng. Các khu tái định cư tại tiểu khu 249, 265, 271 cũng đã trở nên “quá tải”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến an ninh rừng ở Ea Súp phức tạp, hoạt động khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản luôn khó kiểm soát.
Thiếu nguồn nguyên liệu, khó khăn về tài chính xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông phải tạm ngừng hoạt động. |
Hướng mở cho doanh nghiệp
Việc sắp xếp đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp chính là để những đơn vị này hoàn toàn tự chủ, góp phần tích cực trong phát triển công nghiệp rừng ở từng địa bàn mà các đơn vị này đứng chân. Đồng thời nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm tốt vai trò nòng cốt trong sản xuất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc quản lý diện tích rừng, phát triển, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng và đất rừng, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo… Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực sự chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm duy trì vốn rừng hiện có và từng bước nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm môi trường sinh thái, tỉnh cũng đã đề ra phương án tiếp tục sắp xếp trong thời gian tới, trong đó đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo cụ thể về chủ trương cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, cũng như chuyển đổi một số đơn vị lâm nghiệp không có điều kiện sản xuất kinh doanh thành các ban quản lý rừng. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại các diện tích rừng, đất rừng và khả năng đầu tư quản lý bảo vệ phát triển rừng của các công ty để thu hồi những diện tích rừng quản lý kém hiệu quả cho các tổ chức kinh tế khác thuê, bảo vệ và kinh doanh theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được HĐND tỉnh thông qua.
Vực dậy khối kinh tế này cũng là vực dậy ngành kinh tế tiềm năng của tỉnh, một trong những địa phương có diện tích rừng đứng đầu cả nước. Với 33% diện tích rừng và đất rừng mà các công ty lâm nghiệp đang sở hữu, nếu được kịp thời tháo gỡ khó khăn, có hướng đi phù hợp gắn với phát huy nội lực thì chắc rằng các công ty lâm nghiệp sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp không chỉ ở giá trị kinh tế mà còn ở giá trị xã hội, môi trường.
(Còn nữa)
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc