Xây dựng trung tâm tài chính ở Buôn Ma Thuột: Đích đến không còn xa
Những năm gần đây, hoạt động ngân hàng (NH) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Dak Lak nói chung đã có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô lẫn chất lượng; từng bước phát triển thành trung tâm tài chính khu vực Tây Nguyên như định hướng tại Quy hoạch chung phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Sôi động hoạt động Ngân hàng
So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, có thể khẳng định, Dak Lak là địa phương có hoạt động NH sôi động nhất. Tính đến thời điểm này, ở Tây Nguyên chưa có tỉnh nào có nhiều đầu mối tổ chức tín dụng (TCTD) như tỉnh Dak Lak. Cụ thể, ở Gia Lai và Lâm Đồng, mỗi tỉnh cũng chỉ mới có hơn 10 đầu mối; còn Kon Tum và Dak Nông thì ít hơn, mỗi tỉnh có chưa đến 10 đầu mối TCTD. Trong khi đó, Dak Lak đã có tổng cộng 41 đầu mối TCTD, trong đó riêng hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã có tới 27 chi nhánh cấp I. Ngoài ra, các chi nhánh này còn có hàng loạt chi nhánh cấp 2, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm trực thuộc ở phần lớn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngoài số lượng đầu mối TCTD lớn, quy mô hoạt động NH trên địa bàn tỉnh Dak Lak cũng xếp vào loại lớn nhất khu vực, kể cả kết quả huy động vốn và cho vay; tốc độ tăng trưởng qua từng năm cũng luôn dẫn đầu các tỉnh trong khu vực. Số liệu thống kê đến cuối tháng 3-2014 cho thấy, tổng nguồn vốn huy động của 4 tỉnh còn lại trong khu vực Tây Nguyên đều dưới 20.000 tỷ đồng/tỉnh nhưng Dak Lak đã vượt con số 21.017 tỷ đồng. Tương tự, đối với dư nợ cho vay nền kinh tế, trong khi tỉnh Gia Lai mới đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, Lâm Đồng (19.000 tỷ đồng), Kon Tum và Dak Nông (trên dưới 10.000 tỷ đồng/tỉnh) thì Dak Lak đã đạt được dư nợ khoảng 40.500 tỷ đồng. Điểm nổi bật nhất là lĩnh vực dịch vụ NH hiện đại, hiện Dak Lak vẫn là địa phương xếp đầu bảng khu vực Tây Nguyên về số lượng ATM, POS (điểm chấp nhận thẻ), doanh số chuyển tiền đi-đến, mua-bán và chi trả ngoại tệ... Nhìn chung, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ NH hiện đại đều đã được các NHTM triển khai trên địa bàn Dak Lak. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thẻ ATM, hình thức giao dịch thuận tiện, an toàn nhất hiện nay là xác thực giao dịch bằng vân tay thì Dak Lak cũng đã có dịch vụ này tại Chi nhánh Eximbank Buôn Ma Thuột; gửi tiền vào tài khoản thẻ thông qua máy ATM báo ngay số dư tại Chi nhánh Dongabank Dak Lak.
Thực tế cho thấy, số lượng đầu mối TCTD lớn đã và đang đem lại cho khách hàng trên địa bàn nhiều lợi ích. Ngoài việc có thêm điều kiện thuận lợi trong lựa chọn NH phù hợp để vay, khách hàng còn được tiếp cận, sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ NH hiện đại. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, hiện các TCTD trên địa bàn đã triển khai khá nhiều sản phẩm phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của DN, như: thanh toán xuất khẩu (dịch vụ thư tín dụng LC xuất khẩu, nhờ thu xuất khẩu...), cho vay hỗ trợ xuất khẩu... Mỗi sản phẩm, dịch vụ của từng NH đều có những ưu điểm riêng, song tựu trung đều mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, đặc biệt là thanh toán quốc tế; rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện giao dịch. Dù đứng chân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hay các huyện, thị xã, DN đều dễ dàng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ NH một cách thuận tiện, không mất nhiều thời gian đi lại nhờ hệ thống phòng, điểm giao dịch của NH được phủ rộng khắp. Không riêng gì khách hàng DN mà các KH cá nhân cũng được hưởng nhiều lợi ích từ hệ thống NH rộng khắp này. Chẳng hạn như việc gửi tiền cho con em đi học ở địa phương khác, nếu như trước đây, các bậc phụ huynh phải gửi bằng đường bưu điện, vừa phải đi xa mà thời gian chuyển-nhận tiền cũng mất vài ngày thì nay chỉ cần mở thẻ ATM tại NH, tiền gửi được chuyển đến ngay cho người nhận chỉ sau ít phút.
Cần có cơ chế thu hút NH đầu tư vào Dak Lak
Các chuyên gia NH cho rằng, mỗi nhà đầu tư của từng lĩnh vực khác nhau đều đem lại cho Dak Lak những giá trị riêng, song nhà đầu tư NH luôn đem lại lợi ích hơn hẳn do sản phẩm kinh doanh đặc thù của nó mang lại. Chẳng hạn, một NH đầu tư vào Dak Lak và có dư nợ cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng, ngoài việc giải quyết lao động đơn thuần như những DN khác, NH này còn thu hút một lượng vốn đáng kể từ nơi khác về phục vụ cho nhu cầu vốn của DN, cá nhân trên địa bàn. Chưa hết, theo quy luật chung, một khi có nhiều NH cùng kinh doanh trên một địa bàn thì các NH phải thường xuyên đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, chính vì vậy mà khách hàng luôn được phục vụ tốt hơn.
Nói điều này để thấy rằng, dù đã là tỉnh đầu bảng về hoạt động NH trong khu vực Tây Nguyên, nhưng Dak Lak vẫn cần phải thu hút thêm nhiều NH đầu tư vào địa bàn nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu vốn, dịch vụ NH cho các thành phần kinh tế. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực NH, những nội dung mà tỉnh Dak Lak cần nhanh chóng triển khai là công bố quy hoạch chi tiết về xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm tài chính của khu vực Tây Nguyên như Chính phủ đã cho phép; chủ động tiếp cận, mời gọi đầu tư những NH có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh; xây dựng một số chính sách mang tính ưu đãi riêng đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, NH. Theo ý kiến của đại diện một số NH đã và đang có kế hoạch mở chi nhánh tại Dak Lak, cần nhất là chính quyền địa phương hỗ trợ mặt bằng để xây dựng trụ sở như trên cơ sở cho NH quyền thuê, mua đất diện tích đủ rộng, mức giá hợp lý ở những khu vực thuận lợi cho giao dịch NH. Một điểm quan trọng khác là UBND tỉnh nên đề nghị NHNN Việt Nam về việc áp dụng cơ chế ưu đãi riêng về trích lập dự phòng, mở phòng giao dịch... đối với những NH đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến…
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc