Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng doanh nghiệp trục lợi chính sách

11:42, 12/05/2014

Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách pháp luật liên quan, nhiều cá nhân đã đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) để kinh doanh một thời gian, để khi nợ thuế sẽ bỏ kinh doanh rồi sau đó tiếp tục thành lập DN khác, tiếp tục gây nợ thuế, rồi lại bỏ… như thách thức pháp luật.

Chuyện thật như... đùa!

Nói về thực trạng này, cán bộ một chi cục thuế cho biết: Đây là một thực trạng nhức nhối đã và đang nảy sinh trên diện rộng, ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ DN đối phó với cơ quan thuế rất “chuyên nghiệp”, tẩu tán hết tài sản trước khi đến thời hạn cơ quan thuế được quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên bán đấu giá để thu nợ thuế. Một trong những trường hợp khá “điển hình” về thực trạng này có thể kể đến là Công ty A., (TP. Buôn Ma Thuột). Tính đến thời điểm này, chủ công ty đã vài lần thành lập DN, gây nợ thuế hàng tỷ đồng rồi bỏ kinh doanh, tiếp tục thành lập DN khác, thách thức các cơ quan chức năng. Đối chiếu hồ sơ đăng ký kinh doanh cho thấy, cách đây gần 10 năm, DN này được thành lập bởi hai thành viên khác nhau; ngành nghề kinh doanh chính là mua bán cà phê, phân bón, nông sản, với số vốn điều lệ cả tỷ đồng. Trong quá trình kinh doanh, DN đã để phát sinh nợ đọng thuế đến nay là gần 2,3 tỷ đồng (kể cả phạt nộp chậm). Cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN này đã thực hiện hàng loạt biện pháp để thu hồi nợ thuế như: cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của DN gửi tại ngân hàng để nộp vào ngân sách; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng…, nhưng DN vẫn chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Một điều đáng quan tâm là nợ thuế chưa trả hết, cơ quan thuế đang triển khai các biện pháp đôn đốc, thu hồi, trong đó có chuẩn bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản thì giám đốc DN A., lại góp vốn với người khác, thành lập và làm giám đốc DN B. Do vậy, hiện việc đôn đốc thu nợ thuế của DN A: đang gặp rất nhiều khó khăn do tài sản đã bị chủ DN tẩu tán sạch. Theo thông tin của cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN A., trước đây, ông giám đốc này cũng đã thành lập một DN nhưng nhờ người khác làm giám đốc; cũng nợ ngân sách mấy tỷ đồng tiền thuế rồi ngang nhiên bỏ kinh doanh, không nộp thuế, sau đó ông giám đốc tiếp tục thành lập DN A.,.

Có trường hợp hàng hóa trong kho của DN bị “phù phép” thành hàng của người khác gửi, khiến cơ quan thuế không tiến hành cưỡng chế được (ảnh minh họa).
Có trường hợp hàng hóa trong kho của DN bị “phù phép” thành hàng của người khác gửi, khiến cơ quan thuế không tiến hành cưỡng chế được (ảnh minh họa).

Tương tự, trường hợp của DN H., (cũng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) cũng vậy. Đến thời điểm cuối tháng 2-2014, DN này nợ ngân sách cả chục tỷ đồng; Cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN này cũng đã áp dụng các biện pháp được phép, nhưng DN vẫn không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Riêng biện pháp cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản cũng được dự báo sẽ không mang lại hiệu quả, vì DN đã bán tài sản cho các tổ chức, cá nhân khác. Lần theo quá trình mua bán tài sản của DN này cho thấy nhiều khả năng chủ DN đã mưu toan chiếm dụng tiền thuế từ trước. Bởi một phần tài sản của DN này được bán cho người thân trong cùng gia đình; giao dịch chuyển tiền thanh toán giữa hai bên không thực hiện qua các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Dak Lak (nhằm tránh bị phong tỏa tài khoản); số tiền bán tài sản lớn gấp nhiều lần số nợ thuế nhưng DN không hề trả nợ thuế. Hiện cơ quan quản lý thuế trực tiếp đã ban hành văn bản gửi các cấp ủy Đảng, cấp lãnh đạo sở ngành liên quan đề nghị can thiệp, hỗ trợ ngăn chặn việc tẩu tán số tài sản còn lại và điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của DN này.

Lẽ nào bó tay?

Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, đối với số nợ thuế quá 90 ngày, cơ quan thuế chỉ có thể áp dụng lần lượt các biện pháp, gồm: phong tỏa và trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc, tổ chức tín dụng; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên, bán đấu giá tài sản; thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế đang do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thông thường, biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ít được thực hiện vì không cần thiết, bởi một khi DN đã bị cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì có nắm giữ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng chẳng có ý nghĩa gì. Như vậy, có thể thấy rằng, đối với các trường hợp chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước nêu trên, cơ quan thuế đã sử dụng hết các biện pháp được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là các cơ quan thuế đã chịu “bó tay”, không còn biện pháp nào để xử lý các đối tượng này, bởi chúng ta còn cả một hệ thống cơ quan chức năng khác, có quyền kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật cũng như điều tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Theo ý kiến của một số cán bộ thuế, để xử lý có hiệu quả tình trạng này, nhất thiết phải đưa lực lượng công an vào cuộc. Chẳng hạn, đối với các trường hợp tẩu tán, nghi tẩu tán tài sản, cơ quan công an có đủ chuyên môn và cơ sở pháp lý và quyền hạn điều tra, yêu cầu DN làm rõ việc mua bán, thanh toán, nguồn gốc tiền mua tài sản, mục đích sử dụng tiền bán tài sản…, qua đó, sẽ rõ ngay có hay không việc tẩu tán tài sản nhằm tránh bị cơ quan thuế kê biên, bán đấu giá. Còn về lâu dài, một số chính sách pháp luật có liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập DN cũng như quản lý thuế cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, và nên chăng cho phép cơ quan thuế quyền khởi kiện đối tượng nợ thuế ra tòa án. Cũng liên quan đến chính sách thuế, một số ý kiến khác đề nghị nên xem xét, rút ngắn thời gian được phép triển khai các biện pháp cưỡng chế kể từ khi phát sinh nợ thuế. Theo quy định hiện hành, nợ thuế quá 90 ngày mới được áp dụng biện pháp cưỡng chế là quá dài, bởi với thời gian như vậy, các tập thể cá nhân đối tượng vi phạm kịp thời tẩu tán tài sản. Cùng với đó, quy định này cũng nên áp dụng theo hướng mở, cho phép cơ quan thuế căn cứ tình hình thực tiễn, triển khai biện pháp thu nợ phù hợp, chứ không nhất thiết phải tiến hành lần lượt từng bước theo quy trình một cách cứng nhắc.

Rõ ràng, việc thu hồi nợ đọng thuế là không dễ, nhưng cũng chẳng phải quá khó đến mức không thể làm được. Vấn đề quan trọng là sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan có chuyên môn như thế nào, mà thôi!

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc