Cánh đồng mẫu lớn: Những mong chờ từ người trồng lúa
Cùng với cây cà phê, cây lúa có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như bảo đảm an ninh lương thực. Từ thực tiễn sản xuất, người trồng lúa tại nhiều địa phương mong muốn sẽ có “luồng gió mới” để giúp họ có thể thực sự được làm chủ, làm giàu trên diện tích canh tác của mình. Cánh đồng mẫu lớn đang là một trong những con đường được nông dân quan tâm để thay đổi diện mạo ngành sản xuất lúa gạo…
Cánh đồng lúa nước có tên gọi cánh đồng Bảo Đại rộng hàng trăm héc-ta nằm ven hồ Lak, huyện Lak của bà con buôn M’Liêng, buôn Lê, buôn Jun và thị trấn Liên Sơn đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, máy gặt lúa đang hoạt động hết công suất để thu hoạch lúa cho nông dân. Thoạt nhìn tưởng chừng như cả cánh đồng lúa rộng mênh mông này đã được nông dân thực hiện theo chương trình cánh đồng mẫu lớn. Nhưng thực tế bà con nông dân vẫn đang sản xuất manh mún. Ông Nguyễn Công Tâm, tổ trưởng tổ dân phố Hòa Thắng, thị trấn Liên Sơn vừa chất những bao lúa lên xe vừa kể: “Do làm theo kinh nghiệm nên trên cánh đồng, giống lúa không đồng nhất, thời điểm xuống giống cũng khác nhau bởi vậy mà các cô cứ nhìn xem, có nhà thì đã thu hoạch, có nhà lúa mới đang trổ. Hôm nay mấy hộ gia đình chúng tôi có diện tích cạnh nhau nên thuê máy gặt đến để thu hoạch cùng một lúc, chứ mỗi nhà chỉ có một sào, thuê gặt lắt nhắt họ cũng chẳng muốn nhận”. Từ thực tế sản xuất trên cánh đồng Bảo Đại này nhiều năm nay, theo ông Tâm việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn sẽ có nhiều cái lợi: hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu sẽ đồng bộ, hợp lý để không còn tình trạng nơi thiếu nước nơi thừa nước; sử dụng phương tiện thu hoạch cũng thuận lợi.
Thực hiện cánh đồng mẫu lớn, nông dân sẽ có những tư duy mới trong sản xuất. |
Còn tại Bình Hòa, địa phương có vùng chuyên canh lúa lớn của huyện Krông Ana, nhờ phù sa của hai con sông Krông Ana và Krông Nô nên năng suất lúa ở đây đạt cao từ 8 đến 10 tấn/ha đối với vụ đông xuân. Toàn xã hiện có hơn 1.300 ha lúa nước hai vụ. Khi được hỏi về cánh đồng mẫu lớn, nhiều nông dân cho hay họ có nghe nói đến chương trình này qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng do chưa được ngành chức năng hướng dẫn cụ thể nên vẫn chưa biết cách làm như thế nào. Trong khi đó, trên địa bàn xã có nhiều nông dân canh tác diện tích lúa khá lớn từ 10 đến 20 ha. Anh Nguyễn Văn Quân cho biết, gia đình anh có tổng diện tích 5 ha lúa ở khu vực trạm bơm 3, xã Bình Hòa, nhưng các thửa ruộng lại nằm rải rác. Anh cũng như nhiều hộ khác phải khá tốn kém chi phí vì sản xuất không tập trung, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên hiệu quả mang lại không cao. Theo bà con nông dân ở đây, nếu như được thực hiện cánh đồng mẫu lớn, việc dồn điền đổi thửa và đưa các loại máy móc, thiết bị công nghiệp vào sản xuất là quan trọng. Nhưng điều nông dân quan tâm nữa đó là đầu ra cho sản phẩm, làm thế nào để có sự liên kết của các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Điều này lại liên quan mật thiết đến vấn đề cơ sở hạ tầng. Tại địa bàn chuyên canh lúa nước này, khó khăn trong vận chuyển lúa của bà con càng nhân lên khi bên cạnh vấn đề đường giao thông nông thôn, nhiều địa bàn nông dân phải chuyển lúa qua sông. Theo tính toán, trung bình chi phí mỗi 1 tấn lúa từ ruộng về đến nhà máy xay xát, nông dân phải trả thêm khoảng 300 nghìn đồng.
Những năm gần đây, sản xuất lương thực ngày càng trở thành thế mạnh của tỉnh. Năm 2013, sản lượng lương thực của Dak Lak đạt gần 1,2 triệu tấn, bằng 112% kế hoạch. Trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, hình thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún tất yếu sẽ không thể trụ vững với cuộc chơi của dòng chảy thương mại. Theo đó, một cung cách làm ăn mới, bài bản và có quy hoạch, trong đó cánh đồng mẫu lớn là một hướng đi đã và đang được nhiều nông dân quan tâm. Ở một số vùng, dù chưa được ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhưng trên cơ sở nắm bắt được chương trình nên nông dân đã chủ động tự thực hiện na ná kiểu “cánh đồng mẫu lớn”. Nhiều người cũng hy vọng, trên lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn sẽ là hướng mở, tháo gỡ khó khăn cho cây lúa và người trồng lúa. Tuy nhiên, việc xây dựng cũng phải thực sự thiết thực, khả thi và đi vào “chất”, tránh tình trạng bình mới rượu cũ, trưng tấm biển cánh đồng mẫu lớn trên ruộng, nhưng nông dân vẫn sản xuất theo kiểu cũ. Đúng như chia sẻ của ông Nguyễn Nhật Lệ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Xây dựng cánh đồng mẫu lớn quan trọng là tổ chức sản xuất để giảm chi phí chứ không phải là việc chỉ tập hợp nhau đơn thuần nhưng vẫn làm theo cách cũ. Về điều này, bên cạnh yếu tố về lượng, trong tiêu chí của mô hình cánh đồng mẫu lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ rõ: Diện tích tiểu vùng phải bằng hoặc lớn hơn 300 ha, nông dân nhiệt tình và tự nguyện tham gia; có hình thức kinh tế hợp tác, đáp ứng về kỹ thuật canh tác và xây dựng được hình thức liên kết, dựa trên nền tảng của liên kết bốn nhà. Trong đó, hình thức liên kết được xem là yếu tố quyết định.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc