Cơ hội mở ra từ những hoạt động xúc tiến giao thương
Thời gian qua, nhiều cuộc gặp gỡ của các DN Dak Lak, lãnh đạo cơ quan chức năng liên quan với các DN tỉnh bạn được tổ chức đã mở ra cơ hội giao thương mới, mang lại lợi ích thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Còn nhớ vào trung tuần tháng 2 – 2014, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra buổi tọa đàm tăng cường hợp tác phát triển giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa, Phú Yên do UBND tỉnh Dak Lak tổ chức, với mục tiêu phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để gắn kết chặt chẽ các tỉnh với nhau, góp phần tạo sự phát triển toàn diện về kinh tế xã hội cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề quan trọng thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai thác, tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… được các địa phương thống nhất cùng đẩy mạnh liên kết, đồng thuận để phát triển. Đặc biệt, lãnh đạo các tỉnh nói trên đã ký kết văn bản hợp tác phát triển giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa, Phú Yên. Theo đó, các địa phương thống nhất phối hợp kêu gọi đầu tư, tạo vùng nguyên liệu chung để thu hút các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, sản; liên kết trao đổi thông tin giá cả thị trường, quảng bá khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chú trọng liên kết phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Các đơn vị liên quan cũng thống nhất hằng năm sẽ luân phiên tổ chức hội chợ du lịch và làng nghề giữa các tỉnh; thảo luận, đề xuất nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ và khai thác lợi thế của từng tỉnh, vấn đề thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại…
DN tỉnh chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh và tìm hiểu về thông tin hàng hóa. |
Không nằm ngoài mục đích đó, cuộc gặp gỡ giữa các DN sản xuất hàng tiêu dùng tỉnh Lâm Đồng với các DN, nhà phân phối, chợ đầu mối tỉnh Dak Lak tại Hội nghị giao thương được tổ chức hồi trung tuần tháng 5 vừa qua cũng là dịp để các DN trực tiếp gặp gỡ, tìm kiếm thông tin và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm do chính DN mình làm ra. Qua đó các bên đã thẳng thắn nhìn nhận rằng mỗi tỉnh, địa phương đều có những điều kiện, lợi thế cũng như tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng lại thiếu sự liên kết, hợp tác nên sản phẩm khó vươn xa. Điểm nhấn của hội nghị trên là các DN tập trung giới thiệu những sản phẩm thế mạnh có chất lượng, với mức giá cạnh tranh đến NTD, cùng với quảng bá tiềm năng du lịch của từng địa phương… Theo Sở Công thương Lâm Đồng, sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh này là: rau, hoa Đà Lạt, chuối Laba (huyện Đức Trọng), rượu cần Langbiang, trà B’Lao (Bảo Lộc), lụa tơ tằm, các loại hạt, cây giống, mô hoa… Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang các nước EU, Châu Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và trong nước được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía Nam. Thông qua hội nghị kết nối giao thương, nhiều DN tỉnh Lâm Đồng thuộc các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, như Công ty Cổ phần dược Lâm Đồng (Ladophar) với sản phẩm trà thảo dược, Công ty TNHH sản xuất - thương mại và dịch vụ Ngô Mai Hoa với các loại mứt trái cây sấy như hồng, chuối, khoai lang, long nhãn, hạt sen… đều bày tỏ mong muốn hợp tác để tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Dak Lak qua các kênh như chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và tiến tới thành lập hệ thống đại lý.
Đánh giá về khả năng phát triển thị trường ở Dak Lak, các DN Lâm Đồng tin tưởng đây là thị trường tiềm năng, bởi trên thực tế, nhiều mặt hàng của Đà Lạt được đông đảo người tiêu dùng (NTD) Dak Lak đón nhận. Các sản phẩm của Đà Lạt như hoa, rau, củ, quả và một số mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như các loại mứt trái cây… đã có mặt tại một số chợ, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, và có sức tiêu thụ mạnh vào dịp lễ, tết. Không dừng lại ở việc phân phối sản phẩm, một số DN Lâm Đồng này cũng đã hướng đến việc nhập nguồn nguyên liệu tại Dak Lak. Bà Ngô Mai Hoa, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại và dịch vụ Ngô Mai Hoa cho biết: sản phẩm chủ lực của cơ sở là các loại mứt trái cây sấy khô với hơn 25 đầu sản phẩm. Để làm ra mứt xoài, bà phải nhập loại trái cây này từ các tỉnh miền Tây về, nên việc vận chuyển tốn khá nhiều chi phí. Có thời gian khan hiếm hàng đã đẩy giá đầu vào cao, trong khi đó, mặt hàng này ở Dak Lak lại khá dồi dào, có nhiều ở huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Do đó, việc nhập nguồn nguyên liệu này tại 2 huyện trên sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho cả hai phía, nhất là giúp nông dân tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm với giá thành hợp lý, và cơ sở của bà cũng có cơ hội để hạ giá thành sản phẩm, dễ dàng tiếp cận được NTD Dak Lak hơn. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng, mở ra mối quan hệ giao thương Dak Lak - Lâm Đồng, mang lại nhiều hy vọng cho người sản xuất, phân phối lẫn tiêu dùng hai tỉnh. Góp thêm ý kiến tại hội nghị, ông Bùi Quang Hòa - Phó Giám đốc Co.opMart Buôn Ma Thuột bày tỏ quan điểm, nông sản địa phương vào siêu thị là việc làm mà cả đôi bên (Nông dân và nhà phân phối) cùng có lợi. Tuy vấn đề này đòi hỏi khắt khe việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nếu có cơ hội kết nối được với các DN, và có cam kết cung cấp sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thì Co.opMart sẽ là nhà phân phối đáng tin cậy cho DN. Qua đó, gián tiếp giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm của mình làm ra.
Qua buổi kết nối giao thương, nhiều phương án liên kết được bàn thảo kỹ càng, mở ra cơ hội hợp tác cho nhiều DN, địa phương 2 tỉnh. Qua đó đã có 6 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất và cơ sở dịch vụ…
Chưa dám kỳ vọng nhiều nhưng có thể nói, hội nghị kết nối giao thương là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp (DN) gặp gỡ, kết nối, cùng bắt tay nhau tạo thêm cơ hội cho chính mình vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc