Multimedia Đọc Báo in

Khổ vì... lúa đầy đồng

11:42, 12/05/2014

Cánh đồng Krông Ana - một trong những vựa lúa lớn nhất của tỉnh đang trong giai đoạn thu hoạch rộ, nhưng nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển lúa từ đồng về nhà.

Khoảng một tuần trở lại đây, các bến phà qua sông Krông Ana lúc nào cũng tấp nập hàng đoàn xe chở lúa từ cánh đồng Krông Ana sang thị trấn Buôn Trấp. Chuyến phà nhỏ nối hai bờ sông không lúc nào được ngừng nghỉ, “cõng” trên mình những chuyến xe chất đầy lúa. Có mặt tại bến phà thị trấn Buôn Trấp vào giữa trưa, ông Lê Tiến Dũng (khối 4, thị trấn Buôn Trấp) cho biết, gia đình ông đang thu hoạch hơn 2 ha ruộng, thu hoạch đến đâu phải tranh thủ chuyển lúa về đến đó để phơi và bảo quản. Thế nhưng do việc qua sông rất khó khăn nên có khi đến lượt mình lên phà đã hơn 10 giờ khuya. Không khí chuyển lúa sang sông diễn ra tấp nập ở tất cả các bến sông có phà vận chuyển như bến Ea Chai (xã Bình Hòa), bến Quỳnh Ngọc (xã Ea Na), bến Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) và bến Krông Nô (nối giữa cánh đồng Krông Nô, tỉnh Dak Nông và cánh đồng Krông Ana). Các cánh đồng đang vào mùa thu hoạch rộ nên việc gặt lúa diễn ra liên tục, có khi kéo dài đến nửa đêm, lúc sương xuống nặng hạt không thể làm tiếp mới nghỉ, do đó xe chở lúa lúc nào cũng có mặt ở các bến sông. Thực tế có nhiều bà con nông dân tuốt xong bỏ ngoài ruộng hàng trăm bao lúa, chở 3-4 ngày mới hết. Ngồi nghỉ dưới gốc cây, cặp mắt hũng sâu vì thức đêm, ông Hồ Hải (xã Bình Hòa) than thở, làm được hạt lúa đã khó, mang được sản phẩm về nhà còn vất vả hơn. Hai ngày qua ông Hải đã huy động mọi người trong nhà ra đồng để thu hoạch lúa. Nhà có 6 nhân công thì phải cắt cử hai người thực hiện việc vận chuyển lúa từ đồng về nhà. Ông Hải cho hay, nếu đường sá thuận lợi thì chỉ cần một mình ông là có thể đảm đương được việc này, nhưng do phải qua phà nên phải có hai người mới thực hiện được. Khổ nhất là đến đoạn qua phà, vừa mất thời gian để chờ đến lượt mình qua phà vừa rất nguy hiểm  mỗi khi lên xuống phà.
 Xe  chở lúa xếp hàng chờ  qua phà tại bến Buôn Trấp.
Xe chở lúa xếp hàng chờ qua phà tại bến Buôn Trấp.

Không những khó khăn trong việc vận chuyển lúa qua sông, người nông dân còn phải “gánh” rất nhiều chi phí cho công đoạn này. Chỉ riêng bến Buôn Trấp, do chủ bến đã ký hợp đồng với chính quyền địa phương nên mỗi chuyến xe qua phà phải đóng từ 80 đến 100 nghìn đồng. Còn các bến Ea Chai, Quỳnh Ngọc và bến Krông Nô là những bến tự phát nên giá qua sông phụ thuộc hoàn toàn vào chủ phà. Trung bình mỗi chuyến xe chở lúa qua các bến này phải đóng từ 250 đến 350 nghìn đồng, tùy số lượng bao lúa trên xe. Bà con nông dân nếu không muốn chuyển lúa về nhà để bảo quản thì có thể bán lúa cho tiểu thương, nhưng giá lúa bán tại ruộng sẽ thấp hơn nhiều so với bán tại nhà. Theo tìm hiểu, giá lúa loại ngon nhất nếu bán tại ruộng sẽ có giá 6.000 đồng/kg, nhưng nếu bán bên này sông giá lúa sẽ lên đến 6.500 đồng/kg.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Krông Ana, vụ đông xuân năm nay, huyện Krông Ana canh tác hơn 5.000 ha lúa nước. Với năng suất trung bình khoảng 7 tấn/ha, tổng sản lượng của cánh đồng là hơn 35 nghìn tấn. Ngoài cánh đồng Krông Ana, nhiều hộ còn canh tác thêm tại cánh đồng Krông Nô, nên tổng khối lượng lúa cần chuyển qua sông là rất lớn. Trước đây riêng bến phà thị trấn Buôn Trấp còn có một chiếc cầu nổi, việc vận chuyển lúa còn đỡ vất vả, nay cây cầu này đã bị nước cuốn trôi nên việc chuyển lúa qua sông phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyến phà. Với phương thức vận chuyển hiện nay, công sức cũng như chi phí vận chuyển của người nông dân là rất lớn…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.