Thoát nghèo ở Buôn Đôn: Vẫn còn nhiều thách thức
So với nhiều địa phương khác, huyện Buôn Đôn không được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, trong khi một số hộ dân có tâm lý trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước... Điều này lý giải vì sao nhiều năm nay tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn cao, dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội cho hộ nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập...
Huyện Buôn Đôn có 14.777 hộ, 64.836 khẩu. Tính đến cuối năm 2013, tổng số hộ nghèo của huyện là 4.258 hộ, giảm 287 hộ so với đầu năm; 1.469 hộ cận nghèo, tăng 597 hộ. Theo kết quả điều tra, rà soát, việc giảm hộ nghèo và cận nghèo của huyện không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 23 của Hội đồng nhân dân huyện. Trong đó có 2 xã tỷ lệ hộ nghèo tăng là Tân Hòa (từ 30,36% vào đầu năm 2013 thì cuối năm đã tăng lên 32,66%), Cuôr Knia từ 22,36 tăng lên 25,88%. Đáng chú ý hơn, có đến 7/7 xã có tỷ lệ hộ cận nghèo tăng so với đầu năm. Tỷ lệ giảm hộ nghèo chậm và số hộ nghèo hiện vẫn còn cao cho thấy công cuộc giảm nghèo ở Buôn Đôn vẫn chưa hết khó khăn và càng về sau càng có nhiều thách thức.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bễn vững, nhiều năm qua, cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp giúp hộ nghèo tiếp cận vốn vay để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2013 đã có 724 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn trên 11,8 tỷ đồng, hơn 6.700 người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, gần 4.500 hộ được hỗ trợ mua hạt giống, vật tư để phục vụ sản xuất; trên 15.000 lượt học sinh, sinh viên được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… Với sự trợ lực trên, nhiều hộ đã ý thức làm ăn, vươn lên thoát nghèo bằng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên, việc thoát nghèo vẫn còn nhiều trở lực do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ông Đỗ Bá Hà (xã Ea Wer) là một trong những hộ nghèo biết tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên, song cuộc sống vẫn chưa thể khấm khá hơn, mà nguyên nhân là do đất đai ít, lại đông con nên gánh nặng dồn lên đôi vai vợ chồng già. Mặc dù đã được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, song gia đình ông hiện vẫn chưa thể thoát nghèo. Năm 2010 gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò, cộng với 10 triệu đồng được vay từ nguồn vốn ưu đãi, ông đầu tư trồng rau để tăng thu nhập. Đến nay, dù bò đã sinh sản được 1 con bê, vườn rau vẫn có thu hoạch để bán ra chợ hằng ngày, nhưng nguồn thu nhập ít ỏi đó chẳng thấm vào đâu khi các con ông đã đến tuổi dựng vợ gả chồng. Không có đất canh tác, các con ông đành chọn cách đi làm công nhân các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh.
Đông con cộng với việc thiếu đất sản xuất khiến ông Đỗ Bá Hà khó thoát nghèo. |
Tương tự, vợ chồng anh Y KLứt Byă (buôn TunlB, xã Ea Wer) lập nghiệp từ những con số không: không đất sản xuất, không nhà ở, không nghề nghiệp ổn định. Có với nhau 4 mặt con, dù được hỗ trợ về nhiều mặt như giúp làm nhà theo chương trình 134 (năm 2008), cấp 5 sào đất sản xuất, hỗ trợ tiền điện, cấp giống cây trồng, bảo hiểm y tế…, nhưng đến nay trong căn nhà có đến 7 nhân khẩu cũng chẳng có gì đáng giá, cái nghèo vẫn dai dẳng đeo bám theo anh chị. Anh Y KLứt Byă cho biết, được cấp đất, dù vất vả làm ăn, song do đất quá xấu, anh trồng điều nhưng cây điều không lên nổi. Không có cách nào để tăng thu nhập gia đình cộng với việc đông con, cuộc sống gia đình anh không khá lên nổi. 2 vợ chồng đành phải đi làm thuê nuôi các con, 3 đứa lớn thì phải bỏ học, đi chăn bò thuê để kiếm cái ăn hàng ngày. Đó chỉ là một phần nhỏ… để “góp” thêm cái nghèo ở huyện Buôn Đôn, bởi về nguyên nhân nghèo, theo ông Y Sê Êban, Phó phòng LĐ&TBXH huyện thì không những nghèo do đông con, ốm đau, bệnh tật, mà nhiều hộ nghèo do mù chữ, thiếu kiến thức, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn. Hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện chiếm trên 2.700 hộ, không có kinh nghiệm làm ăn đã đành, lại mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Mặt khác, do khí hậu, thời tiết không thuận lợi; một số xã bị ảnh hưởng do thiên tai, nông sản mất mùa, rớt giá… thành ra, việc đầu tư thoát nghèo rất khó thực hiện.
Kết quả điều tra hộ nghèo của toàn huyện cho thấy: nguyên nhân nghèo do thiếu vốn sản xuất chiếm trên 38%, thiếu đất canh tác 29,2%, thiếu phương tiện sản xuất 16,5%, đông người ăn theo 9%, có lao động nhưng không có việc làm 6%. Đây là những thách thức lớn cho địa phương trong công tác giảm nghèo thời gian tới. Trước hàng loạt khó khăn đó, để tập trung thoát nghèo, huyện Buôn Đôn cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng đa dạng hóa việc huy động nhiều nguồn lực với nhiều hình thức phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo. Theo anh Y Sê Êban thì trên thực tế, việc xây nhà, hỗ trợ gạo, tiền điện… cho hộ nghèo là rất cần thiết và đúng đắn, nhưng chỉ giúp đỡ họ giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài để họ có cơ hội thoát nghèo bền vững, địa phương sẽ có những chính sách như tạo công ăn việc làm, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Bên cạnh việc tranh thủ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, tận dụng nội lực, địa phương sẽ chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất, tư duy kinh tế của bản thân các hộ nghèo, nhất là trong đồng bào DTTS. Tuy nhiên, “Giải pháp để thoát nghèo nhanh và hiệu quả, bền vững nhất chính là sự nỗ lực của bản thân người dân. Phải xây dựng được mục tiêu phát triển kinh tế cụ thể cho từng hộ thì mới mong đem lại hiệu quả như mong muốn”- anh Y Sê tâm sự.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc