Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện các chính sách về giảm nghèo: Vẫn còn chồng chéo

08:03, 20/05/2014

Những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn, người nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn còn kém hiệu quả do quy định chồng chéo, tản mạn về đối tượng thụ hưởng và thời gian hỗ trợ. Thực tế này đã cản trở phần nào nỗ lực giảm nghèo của cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng.

Quá nhiều chính sách

Theo một nghiên cứu rà soát chính sách mới đây của tổ chức Quốc tế Oxfam tại Việt Nam cho thấy, đến tháng 3-2014, tổng số văn bản chính sách liên quan đến giảm nghèo là 501, trong đó có 188 văn bản, chính sách liên quan trực tiếp đến giảm nghèo đang có hiệu lực, 313 văn bản, chính sách liên quan gián tiếp. Còn theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành trên 70 văn bản chỉ đạo định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo, trong đó có 2 Nghị quyết lớn của Chính phủ là Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020; trên 10 Nghị định của Chính phủ, hơn 30 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 30 Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện.

Những con số nêu trên cho thấy nước ta có quá nhiều văn bản quy định, chính sách về giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét. Sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo (về đối tượng, nội dung, địa bàn…) là một thực tế và đang trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo. Nguyên nhân là do chưa có sự phân định rõ ràng trong thiết kế các chương trình, dự án. Các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ, dẫn đến có sự chồng chéo. Số lượng chính sách ban hành nhiều, khó kiểm soát, theo đó, một đối tượng bị chi phối, tác động cùng lúc bởi nhiều chính sách; cụ thể: có chính sách hỗ trợ cùng đối tượng hộ nghèo nhưng do ban hành ở những giai đoạn khác nhau, mức hỗ trợ khác nhau gây nên sự so bì, thắc mắc trong dân như chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134 và 167. Hoặc cùng một đối tượng là hộ nghèo, trên cùng một địa bàn được hưởng một chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng các mức hỗ trợ khác nhau do đối tượng thụ hưởng từ các chương trình khác nhau, như chương trình 30a, chương trình 135…

Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ đã giúp nhiều hộ nghèo  chuyển đổi cơ cấu cây trồng để vươn lên thoát nghèo.
Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ đã giúp nhiều hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng để vươn lên thoát nghèo.

Sự chồng chéo về chính sách tuy không trùng chéo về nguồn lực, nhưng đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư, trong khi khả năng bố trí ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Đơn cử như việc đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn được bố trí kinh phí từ chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới…, nhưng không lồng ghép được nguồn lực từ các chương trình này do quy định về quản lý, định mức, cơ chế đầu tư khác nhau. Việc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình, địa phương cũng không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu, dẫn đến thi công dở dang do thiếu vốn. Việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế cho cùng một đối tượng vừa là người nghèo, lại là người có công, lại thuộc diện bảo trợ xã hội cũng là một ví dụ…

Cần nhanh chóng sửa đổi

Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo cũng đã có những tác động tích cực đến đời sống, kinh tế của các hộ nghèo. Theo đó, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 22% năm 2005 xuống còn 7,99% năm 2013. Tại Dak Lak, kết quả giảm nghèo của tỉnh giai đoạn vừa qua đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, giai đoạn 2006-2010 giảm 20,10%, bình quân hàng năm giảm 4,02%. Trong 3 năm (2011-2013), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,26%; hộ cận nghèo giảm còn 6,99%; số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% chỉ còn 5 xã, giảm 14 xã; trên 150.000 lượt hộ nghèo được vay vốn; gần 7.700 người nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn; 1,8 triệu lượt người nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật bền vững, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 1/3 hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả hơn nữa, tại Hội nghị trực tuyến về công tác giảm nghèo diễn ra hồi cuối tháng 4-2014, lãnh đạo các địa phương đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách theo hướng tập trung, tiếp cận đa chiều, phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Ngoài ra,  nên tăng mức đầu tư cho giảm nghèo, bố trí nguồn vốn trung và dài hạn, đồng thời lồng ghép các chính sách để tập trung nguồn lực giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Đồng tình với những kiến nghị trên, đại diện lãnh đạo tỉnh Dak Lak cho rằng cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo để hình thành một cơ chế, chính sách thống nhất, không còn chồng chéo, trùng lặp. Việc sửa đổi chính sách giảm nghèo cần thực hiện theo hướng giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp, cho không sang hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp; hỗ trợ để tạo sinh kế từ việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị sản xuất và tiếp cận thị trường, đồng thời bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phân loại đối tượng để có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là đối với nhóm dân tộc thiểu số, nhóm người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội…

Trong triển khai chính sách giảm nghèo thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, các bộ, ngành, địa phương phải xác định đúng các nhóm đối tượng để tập trung giảm nghèo. Việc sửa đổi cơ chế chính sách giảm nghèo theo hướng lồng ghép để tránh chồng chéo, đồng thời bổ sung ngay những nội dung không còn phù hợp và chủ động cân đối nguồn lực ngay từ khi thiết kế chính sách, xây dựng nguồn ngân sách thực hiện giảm nghèo trong trung hạn.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc