Triển vọng về loại vật liệu mới trong xây dựng, sửa chữa kết cấu "Áo đường" ở Việt Nam
Sau hơn 6 năm nghiên cứu, thử nghiệm và được cho phép sử dụng đến nay, vật liệu Carboncor Asphalt (CA) phục vụ xây dựng và sửa chữa kết cấu áo đường trong nước đã được ứng dụng trên địa bàn 32 tỉnh, thành, bước đầu cho kết quả khả quan.
Vật liệu CA do Công ty Carboncor Nam Phi phát minh, sáng chế và chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam. Đây là vật liệu hỗn hợp bao gồm 3 thành phần: đá, sít than sau sàng (rác than) và nhũ tương Carbon. Với các đặc tính như hoàn toàn không sử dụng nhiệt, nên không cần giới hạn thời gian vận chuyển từ nơi sản xuất đến công trình; không bị chảy mềm dưới thời tiết nóng như các vật liệu nhựa truyền thống; có thể đưa vào sử dụng ngay sau khi lu phẳng (trừ trường hợp đường giao thông có mật độ phương tiện cao hoặc trọng tải lớn thì sử dụng sau 4 đến 8 giờ). Tại hội thảo khoa học “Chuyển giao công nghệ thi công mặt đường bằng vật liệu CA” vừa diễn ra hồi đầu tháng 4-2014 tại TP. Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Văn Tường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam nhấn mạnh: vật liệu CA có nhiều ưu điểm là không cần sử dụng chất kết dính như vật liệu truyền thống, mặt đường có sức bền tốt, độ chống thấm nước, chống trơn trượt cao, thi công đơn giản, bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công. Đặc biệt, sản phẩm không gây nguy hiểm và độc hại cho môi trường, chi phí thấp hơn so với công nghệ thông thường.
Thử nghiệm vật liệu Carboncor Asphalt trên đường Lý Nam Đế, TP. Buôn Ma Thuột. |
Trong thực tế, đã có một số địa phương trong nước thử nghiệm loại vật liệu này trên một số tuyến đường, như đường giao thông nông thôn ở phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa (Dak Nông), với tổng diện tích thi công trên 3.500 m2, chiều dày thảm mặt đường 2 cm, kết quả sau 3 tháng đưa vào sử dụng cho thấy: bề mặt đường ổn định, độ nhám tương đối đồng đều, không có hiện tượng dồn, bong vật liệu khỏi mặt đường, không rạn nứt, lún vệt bánh xe. Thử nghiệm thảm mặt đường trên địa bàn huyện Dak G’long (Dak Nông) cũng cho kết quả tốt, lớp vật liệu CA có tác dụng như lớp bê tông nhựa nóng dùng để bảo vệ mặt đường, mép tiếp giáp với lề đường có độ dính tốt, không bị sứt mẻ. Ngoài ra, trên một số tuyến quốc lộ (QL), Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho phép các khu quản lý đường bộ thi công thử nghiệm vật liệu này. Đơn cử, tháng 6-2013, Công ty Cổ phẩn Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam Đà Nẵng đã thi công thử nghiệm vá sửa chữa mặt đường bê tông nhựa trên QL1 bằng vật liệu CA. Sau một thời gian khai thác thử nghiệm, đơn vị quản lý cho biết chất lượng thi công đạt hiệu quả tốt với các ưu điểm như không bị rạn nứt do tác động của tải trọng xe, thi công thuận lợi trong điều kiện thời tiết bất lợi. Từ những kết quả này, Khu Quản lý đường bộ V (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã có văn bản đề nghị các công ty quản lý đường bộ triển khai ứng dụng vá sửa mặt đường bê tông nhựa bằng vật liệu CA trên các tuyến QL1 đoạn qua TP.Đà Nẵng, QL1D đoạn qua tỉnh Bình Định, Phú Yên, QL 19 đoạn qua tỉnh Bình Định - Gia Lai, QL 26 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa - Dak Lak, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Qua kết quả thử nghiệm ở một số tuyến đường trên cả nước, Tổng cục khuyến cáo các chủ đầu tư căn cứ vào tính năng, tác dụng của sản phẩm CA và tình hình thực tế của các dự án như lưu lượng xe, tải trọng, kết cấu mặt đường để áp dụng vào thi công các công trình giao thông hoặc sửa chữa. bảo trì đường bộ cho phù hợp.
Còn ở Dak Lak, theo ông Y Puăt Tơr, Giám đốc Sở GTVT, qua kết quả thử nghiệm của các địa phương và các ban quản lý dự án giao thông đối với một số tuyến đường cho thấy, vật liệu CA phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng. Do vậy, thời gian tới Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh về việc khuyến khích ứng dụng vật liệu này trong thi công và duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Tại Lễ khánh thành Nhà máy Carbon Việt Nam (2011), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: việc áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thay thế phương pháp truyền thống để làm mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và duy tu các tuyến đường vừa bảo đảm kỹ thuật, giảm giá thành, hạn chế tác động xấu đến môi trường và xã hội như sản phẩm CA thì cần được nhân rộng. Bộ đánh giá cao việc nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ mới, vật liệu mới của Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam. Đây là giải pháp để xây dựng, sửa chữa kết cấu áo đường ở nước ta, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ làm mới, duy tu sửa chữa các công trình giao thông, đặc biệt là đường giao thông nông thôn.
Năm 2008, Bộ GTVT đã tiến hành thử nghiệm và kiểm tra chất lượng vật liệu CA tại một số tuyến đường trên địa bàn TP.Hà Nội, qua đó Bộ đã ra Quyết định Số 1445/QĐ-BGTVT, ngày 26-5-2009 về việc “Cho phép sử dụng vật liệu CA trong xây dựng và sửa chữa kết cấu áo đường ở Việt Nam”, trên nguyên tắc tuân thủ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định có liên quan.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc