Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở Ea Súp: Khó về đích đúng hẹn

08:33, 21/05/2014

Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn ở huyện Ea Súp đã có những đổi thay, nhưng bên cạnh đó khó khăn vẫn chồng chất, nhất là ở những xã vùng biên. Lộ trình có 1 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và 3 xã đạt 13 tiêu chí vào năm 2015 xem ra khó hoàn thành.

Số tiêu chí đạt thấp

Những năm qua, thực hiện Chương trình XDNTM, huyện Ea Súp đã có nhiều cố gắng trong tổ chức bộ máy, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, huy động nguồn lực và thực hiện các tiêu chí theo quy định... Đáng chú ý là việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được huyện chú trọng, thông qua lồng ghép nhiều chương trình, dự án vào nội dung XDNTM để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất… Lãnh đạo huyện cũng đã có chủ trương đề nghị tỉnh cho phép lập dự án chuyển đổi giống cây trồng với diện tích 80-100 ha, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các xã có diện tích sản xuất lúa 2 vụ lớn như Ea Lê, Ea Bung, Ea Rốc…, và kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản cho nông dân tại xã. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tại các xã để nâng cao kỹ thuật canh tác cho bà con. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho giáo dục, y tế, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, người dân trong huyện đã đóng góp ngày công, hiến đất với tổng giá trị 574 triệu đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Mục tiêu phải hoàn thành chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, nhưng đến nay phần lớn các đường giao thông nông thôn ở xã Ea Lê vẫn còn là đường đất.
Mục tiêu phải hoàn thành chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, nhưng đến nay phần lớn các đường giao thông nông thôn ở xã Ea Lê vẫn còn là đường đất.

Tuy có nhiều nỗ lực, nhưng việc thực hiện XDNTM ở địa bàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, số tiêu chí các xã đều đạt thấp, 2 xã điểm: Ea Lê và Ea Bung cũng chỉ mới đạt 6/19 tiêu chí, có 2 xã đạt 5 tiêu chí (Ea Rốc, Cư M’lan), 1 xã đạt 4 tiêu chí (Ya T’môt), 4 xã đạt 3 tiêu chí (Cư Kbang, Ya J’lơi, Ya Lốp, Ia R’vê). Số tiêu chí đạt được tập trung chủ yếu ở những tiêu chí có sẵn như: bưu điện, điện, giáo dục, y tế, chợ, hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội, quy hoạch…Sở dĩ số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa nhiều, là do hoạt động của các Ban Chỉ đạo XDNTM ở nhiều xã còn hạn chế, cán bộ, người dân nhiều nơi còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; vẫn còn nặng vào chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa xem trọng về nội dung văn hóa, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, việc vận động sự tham gia, đóng góp của người dân, tổ chức xã hội còn hạn chế; phát triển sản xuất ở nhiều xã còn mang nặng tính tự phát, chưa gắn kết với quy hoạch vùng. Vẫn còn một số xã, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự sâu sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chương trình XDNTM...

Thách thức về nguồn vốn

Theo Ban Chỉ đạo XDNTM huyện, trong số các tiêu chí chưa đạt thì có nhiều tiêu chí cần nguồn vốn rất lớn như: giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, nhà ở dân cư và môi trường… đang là thách thức lớn đối với huyện nghèo như Ea Súp. Trong 3 năm thực hiện XDNTM, nguồn vốn Nhà nước đầu tư mới được khoảng trên 5,3 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011 được đầu tư 2 tỷ đồng cho Ea Lê - xã điểm của huyện để làm đường giao thông nông thôn, theo đó đã thi công được 3,5 km đường liên thôn 3, 4 và 5. Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp, vốn thực hiện công tác xây dựng quy hoạch cấp xã gần 1,2 tỷ đồng phục vụ cho công tác tuyên truyền, tập huấn đào tạo cán bộ, xây dựng đề án cấp huyện và quy hoạch cấp xã… Năm 2012, huyện được hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng, trong đó 925 triệu đồng để thi công xong công trình giao thông nông thôn tại các thôn 5, 6, 7 của xã Ea Lê, với chiều dài 3,8 km; 90 triệu đồng để xây dựng mô hình sản xuất lúa nguyên chủng ML48, diện tích 6 ha cũng tại xã Ea Lê; hỗ trợ mỗi xã 10 triệu để lập đề án cấp xã và 50 triệu để xây dựng quy hoạch chung. Số tiền còn lại là để chi trả phụ cấp cho các thành viên Ban chỉ đạo xã và huyện. Năm 2013 huyện không được hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở, chỉ được hỗ trợ 380 triệu đồng để xây dựng mô hình sản xuất tại xã Ea Lê, 2 lò mổ gia súc tại xã Ea Rốc và Ya T’môt, 2 xe công nông chở rác và 2 khu xử lý rác thải tại xã Ea Lê và Ea Rốc.

Theo ước tính của Ban chỉ đạo huyện, để đạt được mục tiêu đề ra của năm 2015, huyện cần khoảng 1.500 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, riêng xã điểm Ea Lê cần đầu tư khoảng 300 tỷ đồng mới có thể đạt chuẩn vào năm 2015. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp như hiện nay thì phải đến 2020, xã Ea Lê mới đạt chuẩn nông thôn mới, còn các xã khác thì phải mất một thời gian dài nữa, trong khi đích thời gian phải hoàn thành không còn nhiều…

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc