Xử lý nợ đọng thuế: Đã có "liều thuốc" đặc trị?
Quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu; bổ sung và sắp xếp lại cán bộ làm công tác thu nợ… là những biện pháp đang được ngành thuế tỉnh triển khai như một “liều thuốc đặc trị” nhằm nâng cao chất lượng công tác thu hồi nợ đọng thuế cũng như hạn chế nợ mới phát sinh.
Nhận diện nguyên nhân nợ thuế tăng
Trước thực trạng nợ đọng thuế diễn biến ngày một phức tạp, giữa tháng 5-2014, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm “mổ xẻ” công tác thu hồi nợ thuế trong thời gian qua. Có thể nói, hội nghị này đã có sự “cải tiến” đáng kể trong việc khách quan, trung thực nhìn nhận hạn chế trong công tác thu nợ. Chẳng hạn, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế gia tăng, hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu nợ trong thời gian qua là xuất phát từ những bất cập trong quản lý, điều hành thu của cơ quan thuế. Cụ thể, mặc dù phương án giảm nợ thuế đã được ngành thuế triển khai từ giữa năm 2013, với nhiều biện pháp khá chi tiết, song không ít đơn vị vẫn chưa quan tâm thực hiện. Cụ thể: theo phương án này, Cục Thuế yêu cầu chi cục trưởng các chi cục thuế phải rà soát, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu đối với công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tùy thuộc vào số nợ thuế, bố trí tăng cường cán bộ cho bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế bảo đảm từ 3 người trở lên (riêng Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột bố trí từ 10 người trở lên) để tham mưu triển khai thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tuy nhiên, trong thực tế không ít đơn vị trực thuộc xem nhẹ nhiệm vụ này.
Từ kết quả những đợt kiểm tra nội bộ của Cục Thuế đối với các đơn vị trực thuộc cho thấy, nhiều đơn vị không bố trí đủ cán bộ thu nợ hoặc có bố trí đủ, nhưng chất lượng cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; một số nơi còn xảy ra tình trạng cán bộ thu nợ phải dành phần lớn thời gian để làm công tác báo cáo! Do việc bố trí cán bộ thu nợ không khoa học đã dẫn đến tình trạng đội ngũ này không có biện pháp theo dõi, nắm bắt thông tin về người nộp thuế nên không triển khai đầy đủ, kịp thời các biện pháp quản lý và cưỡng chế nợ thuế. Thực tế cho thấy, rất nhiều người nộp thuế có mưu toan chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước nên luôn chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó, trong đó nhiều nhất là tẩu tán tài sản trước khi cơ quan thuế tiến hành cưỡng chế. Vì thế, nếu không nắm bắt tốt tình hình hoạt động của người nộp thuế thì các bước cưỡng chế tiếp theo khó mà đạt hiệu quả cao. Cũng chính việc bố trí cán bộ thiếu khoa học nên đã xảy ra tình trạng giao nhiệm vụ quản lý, thu nợ cho cán bộ thiếu trách nhiệm, ngại va chạm với người nộp thuế, dẫn đến việc triển khai các biện pháp thu nợ chỉ mang tính hình thức, thiếu cương quyết. Điều này thể hiện rất rõ ở chỗ không ít trường hợp cơ quan thuế chỉ triển khai biện pháp cưỡng chế thông qua trích tài khoản tiền gửi của người nợ thuế tại các tổ chức tín dụng, còn các biện pháp như kê biên, bán đấu giá tài sản, đình chỉ sử dụng hóa đơn… ít được thực hiện. Trong khi đó, hiệu quả của biện pháp cưỡng chế trích tài khoản tiền gửi thường không cao do người nộp thuế đã tính toán trước, rút hết tiền gửi hoặc thực hiện giao dịch tại một tổ chức tín dụng khác ngoài địa bàn tỉnh. Một thực trạng đáng quan tâm nữa là tình trạng một số chi cục trưởng các chi cục thuế chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, có tâm lý “khoán trắng” công tác thu nợ cho cấp phó nên hiệu quả mang lại không cao.
Nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột (ảnh minh họa). |
Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Tại hội nghị về công tác thu nợ thuế nêu trên, Cục Thuế đã tổ chức cho các đơn vị trực thuộc ký cam kết giảm nợ thuế từ nay đến cuối năm 2014. Theo đó, trong năm 2014 phấn đấu thu ít nhất 85% số nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (tính đến thời điểm 31-12-2013), trong đó riêng 6 tháng đầu năm thu ít nhất 45%. Về giảm nợ thuế, phấn đấu đến cuối tháng 6-2013 giảm ít nhất 10%; từ tháng 7 đến tháng 12-2014, mỗi tháng giảm ít nhất 5%. Đối với số thuế phát sinh mới bảo đảm thu trên 95% số thuế phát sinh trong tháng, quý, năm (bao gồm số thuế do người nộp thuế kê khai, số thuế lập bộ và số thuế xử lý qua thanh, kiểm tra còn trong thời hạn nộp theo quy định).
Để làm được điều này, ngành thuế cũng đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, điển hình là công tác tổ chức cán bộ được đặt lên hàng đầu. Theo đó, sẽ bố trí, sắp xếp cán bộ làm công tác quản lý nợ đủ về số lượng (dự kiến sẽ sáp nhập 2 đội kiểm tra và quản lý nợ lại thành 1 đội), bảo đảm có năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm để thực hiện các bước xác minh, khai thác, thu thập thông tin của người nộp thuế, phục vụ tốt cho việc thực hiện các biện pháp quản lý, cưỡng chế nợ thuế chính xác, kịp thời; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho cán bộ công chức; tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm về quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế ở các đơn vị bạn… Có một vấn đề khá mới, thể hiện quyết tâm của ngành thuế trong việc thu và xử lý nợ là đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó trong chỉ đạo, triển khai các biện pháp quản lý và cưỡng chế nợ thuế. Cục Thuế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các biện pháp quản lý nợ của cấp dưới; không để tình trạng vì lý do nhân sự mà không triển khai đầy đủ, kịp thời các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như nghiêm túc xử lý kỷ luật người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nếu không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ; không chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy định, quy trình và các giải pháp, biện pháp mà ngành đã đề ra, dẫn đến số nợ thuế tăng, không hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế thì cá nhân chi cục trưởng chi cục thuế đó phải chịu trách nhiệm với cấp trên. Trước mắt, đến hết tháng 6-2014, nếu tình hình thu nợ không có chuyển biến thì sẽ áp dụng một số biện pháp về công tác cán bộ, như: yêu cầu giải trình, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm…
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc