Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng nông dân "chạy đua" trồng tiêu

10:53, 28/06/2014

Hai năm trở lại đây, giá hồ tiêu luôn ở mức cao (trên 150.000 đồng/kg) khiến nhiều nông dân phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu, thậm chí trồng trên những vùng đất trũng, ẩm ướt không thích hợp bất chấp rủi ro.

Phá điều, cà phê để trồng tiêu

Gia đình ông Hoàng Văn Phúc ở thôn 10, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) có 9 sào tiêu, trong đó 4 sào bước vào năm thứ ba và 5 sào mới trồng đầu năm 2014. Theo ông Phúc, trên diện tích này trước đây ông trồng cà phê và điều, sau thấy cây cà phê già cỗi năng suất thấp, cây điều lại thường xuyên mất mùa, mất giá, trong khi đó giá hồ tiêu liên tục tăng cao nên năm 2011 ông phá bỏ vườn điều 4 sào để trồng hồ tiêu. Niên vụ vừa rồi gia đình thu về 1,8 tấn, lãi hơn 200 triệu đồng (cao gấp 6 lần cà phê, điều) nên đầu năm ông phá bỏ thêm 5 sào cà phê còn lại để trồng tiêu. Theo tính toán của ông Phúc, mỗi héc-ta tiêu chi phí đầu tư ban đầu khoảng 400 triệu đồng, nếu cây sinh trưởng, phát triển tốt thì sau 3 năm thu hoạch ổn định, vườn tiêu bắt đầu cho lãi cao, ngược lại tiêu bị bệnh thì coi như mất trắng. Giống cây này khá “đỏng đảnh”, chỉ cần vài chục trụ bị bệnh là cả vườn sẽ ảnh hưởng, nhưng bù lại, nó cho thu nhập khá cao, giá có xuống thấp bằng một nửa hiện tại hoặc mất mùa thì vẫn cho thu nhập cao hơn các loại cây khác. Không chỉ gia đình ông Phúc mà nhiều hộ khác cũng đang chạy đua trong “cơn sốt” trồng tiêu, đẩy giá trụ tiêu tăng cao: từ 220.000 lên 270.000 đồng/trụ bê tông (3m), 60.000 đồng lên 85.000 đồng/trụ gỗ muồng (2,5-3m). Ông Nguyễn Văn Cảnh cùng thôn 10 cho biết, thấy các hộ nông dân khác trồng tiêu thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm, trong khi giá cà phê năm nay thấp (dưới 40 triệu đồng/tấn) nên ông quyết định trồng xen tiêu trong cà phê. Gia đình thuê máy trộn bê tông tự đổ trụ, cây giống nhà tự ươm; dự định mùa mưa này sẽ trồng khoảng 200 trụ tiêu.

Bệnh chết nhanh gây hại cây tiêu.
Bệnh chết nhanh gây hại cây tiêu.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Ning cho biết, toàn xã hiện có 774 ha tiêu, trong đó 324 ha đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Bên cạnh cây hồ tiêu, địa phương còn thế mạnh phát triển cây điều nhưng những năm gần đây giá tiêu tăng cao khiến người nông dân chặt bỏ cả vườn điều, cà phê trong thời kỳ kinh doanh để trồng tiêu nên rất khó kiểm soát; chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, bà con đã tự phát trồng mới hơn 35 ha tiêu.

Nguy cơ dịch bệnh tăng cao

Huyện Cư Kuin hiện có hơn 1.666 ha tiêu thâm canh, trong đó 1.500 ha kinh doanh tập trung ở các xã Ea Ning, Ea Bhôk, Ea Hu... năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha. Giá tiêu ở mức cao là điều đáng mừng, giúp bà con nông dân thêm điều kiện vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt đẩy diện tích tiêu vượt quá quy hoạch (diện tích tiêu quy hoạch đến năm 2014 là 1.600 ha) dẫn đến nhiều hệ lụy. Quỹ đất có giới hạn, do vậy, muốn trồng tiêu bắt buộc bà con nông dân phải phá bỏ các loại cây trồng khác: cà phê, điều, cao su hoặc trồng trên đất hoa màu, thậm chí trồng vội vàng trên những diện tích bị dịch bệnh chưa được xử lý khiến nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh tăng cao.

Một cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với các loại dịch bệnh, do đó chế độ trồng và chăm sóc phải khác với các loại cây trồng khác. Đặc biệt, việc chọn giống tiêu phải phù hợp với thổ nhưỡng, bởi tiêu là loại thân dây leo, tạo giống nhanh và dễ dàng hơn so với các loại cây khác, bề ngoài cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt nhưng chính bản thân nó có thể chứa các mầm bệnh gây hại nên nếu lựa chọn không kỹ càng thì chất lượng giống không đảm bảo, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh. Hiện nay, do việc tự phát trồng tiêu của nông dân tăng cao khiến cung không đủ cầu, các thương lái tự động đẩy giá tiêu giống từ 12.000 lên 15.000 đồng/cây.

Do vậy, bà con nông dân phải mua cây giống từ các địa phương khác, thông qua trung gian các nhà vườn hoặc các thương lái bán rong trên địa bàn, nguồn gốc, chất lượng chưa được kiểm chứng… nên vườn tiêu dễ phát sinh sâu, bệnh gây hại, chất lượng tiêu hạt kém.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Cư Kuin cho biết, từ đầu năm đến nay bà con nông dân trồng mới hơn 200.000 trụ tiêu, tương đương 200 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu chuyên canh lên 1.666 ha, đó là chưa kể đến diện tích tiêu xen canh đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Việc nông dân trồng tiêu ồ ạt khiến ngành nông nghiệp huyện rất khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh, đồng thời làm cho cung vượt cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu trên thị trường. Để bảo đảm lợi ích kinh tế, bà con nông dân nên sử dụng trụ tiêu sống để trồng, trồng xen canh trong vườn cà phê, điều để tăng lợi ích trên một diện tích, đồng thời tạo môi trường hài hòa cho cây tiêu phát triển. Riêng những diện tích tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, bà con nông dân không nên trồng ngay mà phải cải tạo đất, trước tiên là trồng các loại cây ngắn ngày: đậu, bắp, mì… khi nào đất ổn định mới trồng lại.

Hiện nay, địa phương đã hoàn tất hồ sơ, trình Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt xây dựng thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin. Do vậy, bà con nông dân nên trồng tiêu theo hướng bền vững: đúng tiến trình, kiểm định chất lượng giống tiêu trước khi trồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…để tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng cao phục vụ cho việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu hồ tiêu của huyện nhà – ông Khôi cho biết. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.