Multimedia Đọc Báo in

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh: Quản chặt tiến độ, chất lượng công trình

09:18, 15/06/2014

Để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nói riêng và thực hiện các giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý chất lượng, tiến độ công trình giao thông nói chung, thời gian qua Bộ GTVT đã có biện pháp “mạnh tay” đối với chủ đầu tư, nhà thầu “yếu kém” trong quá trình thực hiện Dự án này.

Đồng loạt dừng thi công

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), hiện đa số các gói thầu của Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đều được các nhà thầu triển khai tích cực, trong đó một số nhà thầu thực hiện đúng tiến độ, giá trị sản lượng so với hợp đồng. Riêng Dự án qua địa phận tỉnh Dak Lak gồm 10 gói thầu xây lắp, khối lượng thực hiện trên 171,8 tỷ đồng, có gói 4 (liên danh Công ty TNHH Hoàng Lộc, CTCP 482, CTCP 479 thi công), gói 5 (liên danh CTCP Đầu tư xây dựng PTNT, Công ty TNHH MTV 145) và gói 10 (CTCP Đông Hưng Gia Lai) đã thi công thảm bê tông nhựa lớp 1. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục này, vẫn còn một số nhà thầu cần sự giám sát đặc biệt do không tuân thủ về chất lượng, tiến độ và những quy định trong quá trình thi công dự án; đặc biệt chú trọng đến những chủ đầu tư không làm hết trách nhiệm, không thực hiện đúng việc chuyển thầu theo yêu cầu của Bộ GTVT. Động thái cương quyết này đã dẫn đến tình trạng các nhà thầu đồng loạt ngừng thi công công trình. Cụ thể, từ đầu tháng 6-2014, một số nhà thầu của Dự án đường Hồ Chí Minh bằng hình thức BOT (đoạn qua Dak Lak) đã đồng loạt dừng thi công phản đối chủ đầu tư (Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu Quang Đức) do không minh bạch về tài chính. Trong đó, các nhà thầu không đồng tình về việc thanh toán khối lượng hoàn thành của chủ đầu tư không đúng thời gian, tạm giữ tiền của các nhà thầu không hợp lý, gây bức xúc, buộc họ phải tạm dừng thi công.

Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh kiểm tra tiến độ đối với dự án BOT,  đoạn qua thị xã Buôn Hồ.
Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh kiểm tra tiến độ đối với dự án BOT, đoạn qua thị xã Buôn Hồ.

Được biết, dự án BOT qua tỉnh Dak Lak được khởi công từ tháng 6-2013 do liên danh Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu Quang Đức, CTCP Đông Hưng, Gia Lai và CTCP Sê San 4A) làm nhà đầu tư, có tổng chiều dài trên 25 km (từ km1738+148 - km1763+610), được nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế từ 60 - 80km/giờ. Dự án chia thành 10 gói thầu, đến nay đã bàn giao mặt bằng 100%, nhưng mới có 8/10 gói thầu triển khai thi công. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 6-2014, khối lượng thực hiện của các gói thầu đạt khoảng 40/473,7 tỷ đồng, tương ứng 8,4% giá trị hợp đồng xây lắp – là quá chậm so với tiến độ yêu cầu của Bộ GTVT.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 9-6, Bộ GTVT đã có Công điện yêu cầu chủ đầu tư giải quyết vướng mắc để các nhà thầu thi công trở lại trước ngày 10-6. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến hết thời hạn đó, chỉ có duy nhất gói thầu số 5 triển khai thi công, còn lại 9 gói thầu của Dự án vẫn không có động tĩnh gì.

Xử lý nghiêm nhà thầu yếu kém

Liên quan đến việc chậm trễ tiến độ đối với các gói thầu trên Dự án đường Hồ Chí Minh, ngày 3-6, Bộ GTVT đã có quyết định chấm dứt hợp đồng thi công đối với Tổng CTCP Sông Hồng và chuyển khối lượng thi công 3,8 km (từ km 1681+200 - km 1685) của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho nhà thầu khác. Được biết, gói thầu số 9 (từ km1729+490 – km1733+450) do liên danh Tổng CTCP Sông Hồng và Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sài Gòn thi công, với tổng chiều dài gần 4 km, giá trị hợp đồng trên 110,800 tỷ đồng, riêng Tổng công ty Sông Hồng thực hiện 74% khối lượng. Thực tế, thay vì trực tiếp thi công gói thầu nêu trên thì Tổng CTCP Sông Hồng lại giao cho CTCP Sông Hồng 36, và đơn vị này tiếp tục “chuyển nhượng” cho 2 nhà thầu khác mà không được phép của Bộ GTVT. Trong khi đó, Đức Long Gia Lai thi công gói thầu số 2 (Km1674 - Km1685) vi phạm hợp đồng vì không huy động đủ năng lực theo cam kết, chậm tiến độ thi công. Trước đó, Ban Quản lý Dự án và Bộ GTVT cũng đã có văn bản nghiêm khắc phê bình sự chậm trễ tiến độ, tiến độ tổng thể không phù hợp của Tập đoàn này và được “điểm danh” vào danh sách nhà thầu cần sự giám sát đặc biệt của Bộ.

Ngoài 2 gói thầu nêu trên, mới đây, Bộ GTVT tiếp tục cảnh cáo Công ty IMICO (gói thầu số 2 từ km1838+375 – km1844 đoạn qua địa phận tỉnh Dak Nông) và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường (gói thầu số 3 từ km1685 – km1695 đoạn qua tỉnh Dak Lak) vì thi công công trình không đúng  tiến độ.

Để các dự án BOT nói riêng, Dự án đường Hồ Chí Minh nói chung bảo đảm đúng tiến độ đề ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, nếu không quyết liệt thực hiện sẽ bị xem xét chấm dứt hợp đồng BOT và lựa chọn nhà đầu tư khác; đồng thời Bộ tiếp tục rà soát, xử lý các nhà thầu vi phạm việc giao thầu phụ đối với Dự án này.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.