Multimedia Đọc Báo in

Hàng khuyến mãi: Người tiêu dùng không còn mặn mà!

10:02, 30/06/2014

Cứ mỗi một chương trình khuyến mãi, giảm giá được triển khai, nhiều người tiêu dùng (NTD) lại sinh tâm lý “đề phòng”, không dám mạnh tay mua sắm như trước đây nữa.

Kinh tế khó khăn, NTD thắt chặt chi tiêu, sức mua trên thị trường gần đây có dấu hiệu chững lại. Nhiều hệ thống bán lẻ, đại lý, kinh doanh không ngừng tung ra các chiêu giảm giá, khuyến mãi để kéo sức mua. Trên nhiều tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột không khó bắt gặp các biển hiệu đề chữ “giảm giá sốc, khuyến mãi lớn, bán hàng kèm quà tặng”, chủ yếu thuộc là ngành hàng thời trang (quần áo, giày dép, kính mắt), điện máy...

Mua hàng giảm giá, nhất là tại các dịp hội chợ càng khiến  người tiêu dùng cân nhắc hơn.
Mua hàng giảm giá, nhất là tại các dịp hội chợ càng khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn.

Khuyến mãi, giảm giá là chiêu thức được người kinh doanh áp dụng nhằm kích sức mua, bán được hàng. Tuy nhiên, hiện nay hình thức này không còn hấp dẫn NTD như trước, bảng hiệu “sale off ” được trưng bày nhan nhản trên đường phố nhưng NTD vẫn thờ ơ… cho qua! Một chủ cửa hàng thời trang trên đường Trần Phú chia sẻ, dù cửa hàng đã chấp nhận bớt đi một phần lợi nhuận để duy trì sức mua nhưng xem chừng tình hình vẫn không được cải thiện mấy.

Thông thường, một khi có chương trình khuyến mãi, giảm giá thì người mua sẽ được hưởng lợi. Thế nhưng, thực tế không hẳn vậy. Chị Phạm Thị Ngân – NTD phường Tân Thành vẫn chưa hết ấm ức khi cách đây không lâu, chị có mua được chiếc áo sơ-mi màu hồng tại một cửa hàng giảm giá trên đường Trần Phú, giá chỉ có 115.000 đồng - đã giảm 20% so với mức bình thường. Tuy nhiên, chưa kịp hết mừng, về nhà kiểm tra lại mới thấy áo bị lỗi ở phần bên hông, đường may vụng về, các nút áo được đơm sơ sài. Sau khi mang đi sửa lại, giặt qua một vài lần, áo đã bị bạc màu. “Cứ tưởng mua được hàng giá rẻ, hóa ra mua phải hàng kém chất lượng, chẳng dùng được, coi như mất không một khoản tiền… ”- chị Ngân bày tỏ. “Bị hớ” vài lần như thế, chị trở nên cẩn trọng hơn với các chiêu trò giảm giá, khuyến mãi. Cũng có trường hợp, các chủ kinh doanh dùng “chiêu” nâng giá lên trước khi giảm xuống để trở thành “giảm giá”, hoặc trà trộn lẫn hàng kém chất lượng với hàng hóa có thương hiệu để bán cho được hàng, càng khiến NTD mất niềm tin hơn. Góp thêm về điều này, chị Đỗ Thị Lan (phường Tân Tiến) chia sẻ, có lần chị mua đôi giày tại một cửa hàng khá có tiếng trên đường Phan Bội Châu chỉ chuyên bán sản phẩm giày dép của một thương hiệu duy nhất, với giá 120.000 đồng/ đôi (đã giảm giá 25%). Thế nhưng, mua về sử dụng không được bao lâu thì giày bị hở keo dán, lòi ra phần đế giày được gắn sơ sài. Xem kỹ phần nhãn mác ghi trên thân giày thì chị mới biết đó chỉ là sản phẩm của một nhà sản xuất khá lạ lẫm, khác xa với thương hiệu duy nhất được bày bán ở cửa hàng. Theo chị Lan, với chất liệu, kiểu dáng đó thì chẳng khác gì mấy so với các mặt hàng được bày bán ở chợ, giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/ đôi. Chị nghi ngờ cửa hàng kia đã trà trộn hàng kém chất lượng lẫn vào sản phẩm có thương hiệu, rồi cố tình “đẩy” giá lên cao trước khi thực hiện “chiêu” giảm giá để bán cho khách.

Các chương trình giảm giá, khuyến mãi được áp dụng tại nhiều hội chợ
Các chương trình giảm giá, khuyến mãi được áp dụng tại nhiều hội chợ

Không chỉ các cửa hàng, shop thời trang mà tại chợ truyền thống trên địa bàn TP, hình thức giảm giá cũng được một số tiểu thương ngành hàng may sẵn áp dụng. Đây được coi là động thái tích cực để “kéo” NTD về chợ truyền thống trước sức ép của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều. Tại các chợ trung tâm, chợ tạm Buôn Ma Thuột, không khó để  bắt gặp vài tấm biển: “Hàng giảm giá 20% - 30%”. Thế nhưng, hầu hết những mặt hàng nằm trong diện “sale off” này đều được chất thành đống, nếu để ý sẽ thấy hàng không còn mới, giá chỉ 20.000 đến trên dưới 100.000/ món đồ (áo thun, khoác hoặc quần Jean) và thuộc dạng đã “lỗi mốt”, về chất lượng vải thì khiến không ít người lắc đầu: “Đúng nghĩa của hàng giảm giá”.

Rõ ràng, việc chạy theo khuyến mãi, giảm giá mà không coi trọng chất lượng đã khiến NTD thờ ơ. Ở một số siêu thị phổ biến hình thức bán hàng có cộng thêm giá trị, tức tặng sản phẩm đi kèm để kích sức mua, chẳng hạn như: mua bột giặt, kem đánh răng tặng kèm xô, chậu, chén, đĩa, ly thủy tinh, hộp nhựa đựng thức ăn… Song, theo nhiều NTD thì khuyến mãi kiểu này cũng khiến họ đâm ra… ngao ngán, bởi lần nào mua cũng được tặng món đồ mà nhà nào cũng có rồi! Hơn nữa, về chất lượng những mặt hàng này cũng khiến những NTD kỹ tính “ngại” sử dụng.

Thực tế, không thể phủ nhận tác động tích cực của việc khuyến mãi, giảm giá bởi phương thức kinh doanh này nếu theo đúng nghĩa của nó thì không chỉ NTD mà cả nhà sản xuất đều hưởng lợi. Nhưng thực chất, “hàng giảm giá có được bảo đảm chất lượng không”,  hoặc “giá đã giảm liệu có rẻ hơn giá trị thật của món hàng?”… là những câu hỏi đang được NTD đặt ra. Bởi bên cạnh những điểm bán hàng có uy tín, không ít nơi đã lợi dụng việc giảm giá, khuyến mãi như một chiêu bài để câu khách, móc túi khách hàng hoặc trà trộn tiêu thụ hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Rõ ràng, sau một vài lần “bị hớ” đã khiến nhiều người mua trở nên cảnh giác. Cho nên, cũng không lấy làm lạ khi hiện nay, mặc dù giới kinh doanh liên tiếp mở nhiều đợt khuyến mãi, giảm giá “khủng”, được quảng cáo rầm rộ nhưng không còn thấy NTD mặn mà như trước nữa...

Trâm Anh 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.