Chế biến gỗ rừng trồng: Nan giải chuyện thừa nguyên liệu
Dak Lak có tiềm năng rất lớn để phát triển trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng, tập trung chủ yếu ở các huyện M’Drak, Lak, Krông Bông, Ea Kar, Ea H’leo…. Tuy nhiên, do chưa có nhà máy chế biến lâm sản quy mô lớn, nên nguyên liệu rừng trồng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tại chỗ, phải xuất bán ở các địa phương khác với giá bấp bênh…
Anh Lưu Quang Hùng, xã Ea H’Mlay, huyện M’Drak bên vườn keo đến tuổi khai thác. |
Xe tải chở gỗ tràm về nhà máy chế biến ở Khánh Hòa. |
Cũng vì hiệu quả kinh tế thấp mà người dân không còn mặn mà với việc đầu tư trồng rừng hoặc liên kết với các đơn vị lâm nghiệp. Anh Lưu Quang Hùng, thôn 1, xã Ea H’Mlay (huyện M’Drak) cho biết, trước đây gia đình anh trồng 2 ha rừng keo nhưng giá bán quá thấp và không ổn định nên phần lớn diện tích chuyển sang trồng các loại cây khác, chỉ còn lại 3 sào rừng. Ông Trần Mạnh Quân, Phó phòng NN-PTNT huyện M’Drak cho biết, mỗi năm huyện khai thác khoảng 92.000 m3 gỗ rừng trồng, tuy nhiên chỉ có 2 đơn vị chế biến, công suất nhỏ, khối lượng gỗ còn lại phải bán đi các tỉnh khác, nhiều nhất là Khánh Hòa. Hiện Hợp tác xã Tiến Nam đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất dăm gỗ (tại thôn 1, xã Cư Kroa, M’Drak), công suất 25.000 tấn sản phẩm/năm. Hy vọng sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết được phần nào chuyện dư thừa nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện.
Toàn tỉnh hiện có hơn 84.000 ha rừng trồng, đây là nguồn nguyên liệu rất lớn phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Một số DN đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến như: Công ty TNHH Lan Chi, Công ty TNHH Bảo Lâm, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành M’Drak. Tuy nhiên cơ sở chế biến hầu hết công suất nhỏ, chủ yếu là sơ chế, hiệu quả còn thấp, trong khi đó các đơn vị muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên rất khó thực hiện. Theo tính toán của những nhà chuyên môn, để tiêu thụ sản phẩm cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có công suất 400.000 – 500.000 m3 gỗ/năm, nhưng do trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn nên đầu ra cho gỗ rừng trồng vẫn đang là vấn đề nan giải. Do vậy, địa phương cần quy hoạch, khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các cá nhân, DN tham gia trồng rừng.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc