Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ: Nhiều việc cần làm

15:32, 11/07/2014

Hiện Dak Lak đang là một trong những địa phương xây dựng nhiều hồ chứa nhất nước, với 548 hồ. Việc bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2014 đang là vấn đề “nóng” sau những sự cố về xả lũ và nguy cơ vỡ đập của các hồ thủy lợi trong năm 2013. Điều đáng quan tâm là Dak Lak còn rất nhiều hồ chứa nhỏ dưới 3 triệu m3 nước đang xuống cấp nghiêm trọng chưa được sửa chữa.

Thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp hồ nhỏ

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó chỉ có 560 hồ chứa lớn (có dung tích trữ trên 3 triệu m3 nước), còn lại hơn 6.000 hồ chứa quy mô nhỏ (dung tích từ 3 triệu m3 trở xuống). Theo thống kê từ các địa phương, hiện cả nước còn 1.150 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, trong đó 334 hồ chứa mất an toàn cao, nhiều đơn vị quản lý không dám tích nước phục vụ sản xuất, cần xử lý ngay trước mùa mưa bão năm nay. Đặc biệt, hầu hết các hồ chứa dưới 1 triệu m3 đều xuống cấp trầm trọng như: thân đập bị sạt trượt, xói mòn, thấm nước mạnh, vỡ bể tiêu năng, không xả lũ được hoặc đập tràn thiếu năng lực xả lũ theo tiêu chuẩn thiết kế mới... Riêng Dak Lak có 548 hồ, trong đó có trên 520 hồ chứa nhỏ, phần lớn có mức độ an toàn không cao. Nguyên nhân là hầu hết các hồ này được xây dựng từ những năm trước giải phóng nên thiếu tài liệu thiết kế (nhất là tài liệu thủy văn), chất lượng thi công không tốt, việc duy tu bảo dưỡng không thường xuyên nên công trình bị xuống cấp nghiêm trọng.

Công trình hồ chứa Ea Đrăng, huyện Ea H’leo đang được sửa chữa để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014.
Công trình hồ chứa Ea Đrăng, huyện Ea H’leo đang được sửa chữa để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014.

Điều đáng nói hơn, kinh phí sửa chữa, nâng cấp hầu hết đang được ưu tiên cho các hồ lớn, còn các hồ nhỏ vẫn trong tình trạng thiếu kinh phí. Đơn cử như việc triển khai Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước do Bộ NN-PTNT thực hiện từ năm 2003, đến nay các hồ có dung tích từ 10 triệu m3 nước trở lên đều được sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn cao; một số hồ có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên bị xuống cấp cơ bản đã được sửa chữa. Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều và hồ có dung tích dưới 1 triệu m3 cần sửa chữa nâng cấp còn rất lớn. Bộ NN-PTNT cho biết, do khó khăn về nguồn vốn nên việc sửa chữa, nâng cấp không đạt mục tiêu chương trình đặt ra, tính tổng cộng đến nay mới sửa chữa, nâng cấp được 500 hồ chứa, đạt 23%. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương sửa chữa cấp bách 93 hồ chứa với tổng kinh phí 525 tỷ đồng, song mức hỗ trợ này còn thấp so với tổng mức đầu tư. Trong khi đó, nguồn vốn để nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn lại là điều quá khó với chủ đập. Với UBND cấp xã, hợp tác xã, tổ hợp tác thì việc cấp bù thủy lợi phí chỉ đủ trả lương công nhân nên công trình không được duy tu, sữa chữa thường xuyên.

Tăng cường công tác quản lý 

Theo thống kê, hiện cả nước có 896 hồ chứa được giao cho các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý, chiếm 13%, trong đó Dak Lak có 14 công trình, số còn lại là do UBND xã, HTX, tổ hợp tác dùng nước quản lý. Mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm, nhưng trên thực tế công tác quản lý an toàn hồ chứa vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là đối với các hồ chứa nhỏ vì số lượng quá nhiều lại nằm rải rác phân tán, nhiều hồ nằm ở vùng sâu, vùng xa nên công tác quản lý gặp khó khăn. Trong khi đó, hầu hết hồ chứa nhỏ đều chưa được kiểm định an toàn, xả lũ tự do, không có quy trình vận hành, phòng chống lũ lụt cho hạ du. Năng lực quản lý hồ chứa đối với các chủ hồ là các HTX, tổ hợp tác dùng nước hoặc các thôn, buôn còn hạn chế, hầu hết cán bộ không có chuyên môn về quản lý an toàn, công tác đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên những biểu hiện về mất an toàn hồ chứa không được phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến sự cố gây nguy cơ vỡ đập cao. Những bài học từ mùa mưa năm 2013 tại Dak Lak cho thấy, nguy cơ mất an toàn hồ chứa do công tác quản lý hồ là không hề nhỏ.

Hồ chứa Cư Păm, xã Cư Kty, huyện Krông Bông cần kiên cố hóa tràn để bảo đảm  an toàn cho sản xuất và dân sinh trong mùa mưa.
Hồ chứa Cư Păm, xã Cư Kty, huyện Krông Bông cần kiên cố hóa tràn để bảo đảm an toàn cho sản xuất và dân sinh trong mùa mưa.

Theo ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Dak Lak, sự bất ổn của các công trình thủy lợi là một thực tế hiện hữu, do vậy cần có hành động thiết thực bằng các biện pháp quản lý và biện pháp công trình. Cần rà soát việc thực hiện phân cấp quản lý hồ đập, đánh giá phân loại cụ thể từng tổ chức, cá nhân, nhất là ở cấp huyện và xã về điều kiện năng lực, kinh nghiệm… để đề xuất hướng điều chỉnh phù hợp với thực tế; đồng thời tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành. Tại Hội nghị về Tăng cường công tác quản lý an toàn hồ chứa do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 27-6 tại TP. Buôn Ma Thuột, các địa phương thừa nhận việc nắm thông tin hồ chứa nhỏ còn rất hạn chế và chưa có bộ phận chuyên trách quản lý an toàn hồ chứa, mà chỉ lồng ghép với các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp. Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng an toàn hồ chứa là vấn đề sống còn của ngành nông nghiệp vì vậy cần có quyết sách thực hiện; đề nghị Bộ NN-PTNT sớm xây dựng đề án an toàn hồ chứa trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.