Multimedia Đọc Báo in

Người tiêu dùng Buôn Ma Thuột ủng hộ vải thiều miền Bắc

10:04, 14/07/2014
Thời gian qua, việc xuất khẩu vải thiều trong nước ra thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Để tránh tình trạng “ được mùa rớt giá”, giảm tổn thất cho nông dân, Thứ trưởng Bộ Công thương đã kêu gọi người dân cả nước ăn vải ủng hộ người trồng vải. Theo đó, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, vải thiều có mặt khắp các chợ và trên các xe trái cây bán dạo trên đường. Nhìn chung số lượng vải bán ra tương đối nhiều và có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc.

Anh Văn Đình Huấn (tỉnh Hưng Yên) chủ một xe vải cho biết: thời điểm miền Bắc đến độ thu hoạch, khắp các nhà vườn vải chín rộ, nhưng thương lái Trung Quốc không thu mua nên anh và một số lái buôn quyết định đưa vải thiều vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ. Một chuyến xe của anh chở khoảng 550 thùng, trị giá khoảng 67 triệu đồng, là vải Thanh Hà, Hải Dương có giá thu mua tại nhà vườn từ 17.000-18.000 đồng/kg; giá bán tại thị trường Buôn Ma Thuột từ 20.000-25.000/kg; thời gian vận chuyển mất khoảng 2 ngày 1 đêm, thời gian tiêu thụ chỉ có thể trong gần 2 ngày, nếu không vải sẽ bị úng, nhũn. Nhờ chất lượng vải ngon, hình thức quả đẹp nên trung bình 1 ngày ở thị trường Buôn Ma Thuột anh tiêu thụ được khoảng 700-800kg vải sỉ và lẻ.

Người dân Buôn Ma Thuột mua ủng hộ vải miền Bắc.
Người dân Buôn Ma Thuột mua ủng hộ vải miền Bắc.

Tiểu thương chợ Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay vải trồng trên địa bàn tỉnh đã không còn hàng, hầu hết số vải đang bán ở các chợ là vải thiều miền Bắc. Vải Dak Lak chín sớm nên giá đầu mùa khá cao, từ 30.000-35.000đồng/kg; vải miền Bắc giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, trung bình 1kg bán ra lãi khoảng 5.000 đồng. Do chi phí vận chuyển, bảo quản cao nên giá bán đắt hơn nhiều so với thị trường miền Bắc, nhưng người dân Buôn Ma Thuột hết sức thông cảm và đến mua ủng hộ rất nhiều. Còn tại các chợ nhỏ lẻ, do được giá lại đắt khách, nên hầu hết các tiểu thương đã chọn vải thiều là trái cây chủ yếu tại cửa hàng của mình.

Anh Lê Quang Thăng (phường Tân Lợi) cho hay, giá vải trong tỉnh những năm trước có thể lên tới 35.000 đồng/kg, số lượng vải cũng không nhiều, khi biết người dân miền Bắc phải mang vải đi tiêu thụ khắp nơi anh quyết định mua để ủng hộ. Vải miền Bắc quả to tròn, cơm dày chắc thịt, ăn ngọt và thơm, giá cả hợp lý nên anh thường xuyên mua về ăn hoặc làm quà biếu người thân. Chị Phương Thảo (phường Tân Lập)  chia sẻ: trước đây khi mua hoa quả chị rất chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ của từng loại, vì theo chị, trái cây vận chuyển từ nơi khác tới nhất định phải được bảo quản bằng các chất hóa học. Sau khi nghe lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Công thương, chị chọn vải là quả giải nhiệt mùa hè cho gia đình trên tinh thần chia sẻ, ủng hộ người trồng vải phía Bắc, ủng hộ trái cây nội địa, hạn chế sử dụng các loại trái cây không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang trôi nổi trên thị trường.

 Có thể nói, những việc làm của người dân Buôn Ma Thuột nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, đã và đang góp phần giúp người trồng vải miền Bắc tiêu thụ được nông sản do mình làm ra ngay tại thị trường nội địa. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho đầu ra của trái vải trong các mùa vụ sau khi cả các cấp chính quyền và người dân đều nhiệt tình ủng hộ nông sản trồng trong nước.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.