Multimedia Đọc Báo in

Để ngành cà phê Dak Lak phát triển bền vững

14:17, 12/08/2014

Hiện nay, ngành cà phê Việt Nam nói chung và tại Dak Lak nói riêng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức đe dọa đến sự phát triển bền vững. Để tháo gỡ những khó khăn này đòi hỏi ngành cà phê phải có những chiến lược mang tính lâu dài.

Những thách thức từ thực tế

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mặc dù Dak Lak là tỉnh có diện tích cà phê đứng đầu cả nước, song về cơ cấu diện tích lại khá manh mún, bởi 85% các vườn cà phê đều do các hộ cá thể quản lý, với quy mô trung bình 0,8 - 1 ha/hộ. Vì vậy, để triển khai đồng bộ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê từ khâu sản xuất, thu hoạch đến xuất bán còn nhiều bất cập. Hiện, phần lớn các vườn cà phê trong tỉnh (khoảng 80%) đều được người dân trồng bằng cây thực sinh tự ươm hạt của cây bố mẹ mà không qua chọn lọc và kiểm nghiệm của các ngành chức năng. Do vậy, năng suất cà phê không cao, kích thước hạt nhỏ, không đồng đều, chín không tập trung và dễ bị nhiễm bệnh gỉ sắt. Những năm gần đây, diện tích cà phê trong tỉnh đang lên tăng đột biến và hầu hết đều nằm ngoài quy hoạch (hiện đã vượt trên 8.500 ha so với diện tích quy hoạch của tỉnh). Nhiều diện tích còn được trồng tại những vùng không thích hợp như tầng đất nông, độ dốc lớn, thiếu nguồn nước tưới v.v.. và không ít trong số đó là đất rừng. Do vậy khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao do năng suất thấp và chi phí sản xuất tăng cao. Cùng với đó, những biện pháp thâm canh cao độ như tăng cường bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước với lượng lớn… để đạt được năng suất tối đa, không những đang làm cho cây cà phê nhanh chóng bị kiệt sức, sớm già cỗi mà còn làm cho môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, phát sinh nhiều loại sâu, bệnh hại. Nhiều hộ dân còn không xác định chính xác loại sâu bệnh hại nên việc phòng trừ không đúng cả về loại thuốc, liều lượng, phương pháp và thời điểm phun, nên kết quả không cao, gây lãng phí tiền của. Thực tế trong những năm qua đã có hàng trăm héc ta cà phê bị bệnh không có khả năng phục hồi phải thanh lý.

Phần lớn diện tích cà phê trong tỉnh đều do các hộ tư nhân quản lý. Trong ảnh: Người dân ở thị xã Buôn Hồ đang chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: L.T
Phần lớn diện tích cà phê trong tỉnh đều do các hộ tư nhân quản lý. Trong ảnh: Người dân ở thị xã Buôn Hồ đang chăm sóc vườn cà phê. 

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, do sợ mất trộm nên hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh đang có xu hướng hái cà phê xanh, vì việc mua bán sản phẩm cà phê trong dân thường là thỏa thuận giữa bên mua - bán, không theo tiêu chuẩn quy định nào, trong khi giá bán của cà phê nhân thu hái xanh cũng bằng hái chín. Từ đó, chưa tạo được sức ép thúc đẩy đổi mới phương pháp thu hoạch, bảo quản chế biến sau thu hoạch. Cũng theo ông Thích, cà phê Robusta của tỉnh hiện được xuất khẩu sang hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, việc xuất khẩu cà phê chủ yếu thông qua hình thức trung gian, chưa tham gia giao dịch trực tiếp trên các sàn giao dịch thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đều áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo hình thức thỏa thuận, hình thành qua quá trình buôn bán với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Chính vì vậy, sản lượng và chất lượng cà phê của Dak Lak chưa được thị trường xuất khẩu đánh giá cao, giá cả và số lượng thu mua khá bấp bênh.

Cần chiến lược lâu dài

Những năm gần đây, các sở, ngành chức năng trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cà phê Dak Lak từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Ông Trương Quang Trình, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên minh châu Âu. Hiện nay, Dak Lak đã có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên tổng diện tích hơn 15.070 ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 46.620 tấn cà phê nhân trở lên. Theo ông Trình, sản phẩm cà phê nhân của Dak Lak chủ yếu phục vụ xuất khẩu (khoảng 90%) nên việc cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế lớn, giá trị gia tăng cao... tác động tích cực đối với nền sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động, bảo vệ môi trường, cảnh quan, đa dạng sinh học. Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột là một cách để khai thác thị trường hàng hóa cấp cao, nâng cao giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Trong điều kiện hội nhập hiện nay người tiêu thụ cà phê đòi hỏi sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng và phải có giấy chứng nhận, vì vậy việc tổ chức lại sản xuất cho các hộ nông dân, hình thành các hợp tác xã trong ngành cà phê là hết sức cần thiết. Chỉ có tổ chức lại sản xuất thì mới có điều kiện áp dụng được tiến bộ khoa học, hỗ trợ tài chính, khuyến nông, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu hoặc giấy chứng nhận chất lượng cho từng vùng nguyên liệu. Có như vậy thì mối liên kết giữa “4 nhà” mới trở thành hiện thực.

Nhiều hộ dân ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng thường chế biến cà phê dạng khô nên chi phí sản xuất cao.
Nhiều hộ dân ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng thường chế biến cà phê dạng khô nên chi phí sản xuất cao.

Ông Huỳnh Quốc Thích chia sẻ: Để ngành cà phê Dak Lak phát triển bền vững đòi hỏi các ngành chức năng, các nhà nghiên cứu cần hoạch định những chiến lược lâu dài, đặc biệt là việc thắt chặt mối liên kết của “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê. Những năm qua, ngành Nông nghiệp Dak Lak đã tăng cường nhiều biện pháp như tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê tại các địa phương… nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi một số diện tích cà phê không phù hợp sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước quy hoạch vùng cà phê thích hợp; hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học và giảm lượng nước tưới cho phù hợp; sử dụng thuốc theo đúng chủng loại, liều lượng và đúng thời điểm cho từng loại đối tượng sâu, bệnh hại. Nhất là việc mở rộng diện tích, quy mô sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, VietGAP… Đối với những diện tích cà phê già cỗi sau khi cưa phục hồi, ngành cũng khuyến khích, hỗ trợ giống để bà con nông dân tiến hành ghép cải tạo bằng các dòng vô tính có chọn lọc, hoặc thay thế bằng giống mới được kiểm nghiệm đầy đủ thay cho các giống cũ năng suất, chất lượng thấp. Tuy nhiên, để đạt được những hiệu quả mang tính bền vững thì không phải chuyện một sớm một chiều mà xong!

                                    Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.