Ế ẩm thị trường xe máy!
Mặc dù các hãng xe máy liên tục ra các mẫu mới, giảm giá nhưng thị trường xe máy trong nước nói chung, Dak Lak nói riêng hai năm trở lại đây rơi vào tình trạng ế ẩm, các đại lý phải hoạt động cầm chừng.
Dạo quanh một số đại lý xe máy lớn ở TP. Buôn Ma Thuột như Trương Hòa Lợi, Mai Tiến Phát, Văn Sỹ… thời điểm này dễ nhận thấy tình trạng chung là: khách đến xem ít, lượng xe bán ra giảm từ 15-20 % so với những năm trước. Để kích cầu tiêu dùng, một số đại lý đã cắt cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, phát tờ rơi, quảng cáo sản phẩm trên các ngả đường…
Khách mua hàng tại một tiệm xe máy trên đường Nguyễn Tất Thành. |
Kinh tế phát triển, người dân quan tâm hơn tới sự tiện nghi nên thường có xu hướng đổi xe cũ lấy xe mới, nhiều nhất là xe tay ga bởi kiểu dáng, mẫu mã đẹp, cốp chứa rộng, dễ đi cho người lớn tuổi, phụ nữ… Anh Trần Minh Hoàng, đường Điện Biên Phủ, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, xe số đỡ hao xăng nhưng không đẹp, tiện nghi bằng xe tay ga nên hai vợ chồng đang lựa chọn đổi chiếc xe tay ga. Nắm bắt nhu cầu này, một số đại lý đã bán hàng dưới giá niêm yết của hãng như Air Blade phiên bản tiêu chuẩn 37.500.000 đồng, thấp hơn giá hãng 400.000 đồng; Air Blade phiên bản có chức năng định vị 39.300.000 đồng, thấp hơn giá hãng 700.000 đồng; Ware RS phiên bản tiêu chuẩn 20.000.000 đồng, thấp hơn giá hãng 500.000 đồng, riêng mẫu xe Libery (hãng Piaggio) được miễn phí trước bạ…, nhưng vẫn ế. Lượng hàng bán ít, trong khi đó, các khoản chi hằng tháng: điện, nước, thuê địa điểm, lương nhân viên, vận chuyển… lại không ngừng tăng, khiến các đại lý phải “thắt lưng buộc bụng” để hoạt động.
Một quản lý cửa hàng do Honda ủy nhiệm trên đường Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, những năm trước, bình quân mỗi ngày đại lý bán từ 20-30 chiếc, riêng thời điểm hãng cho ra mẫu mới, lượng xe xuất bán gấp đôi ngày thường. Nay bình quân mỗi ngày chỉ bán được 7-8 chiếc, hôm nào may mắn thì bán được 10-13 chiếc, nhưng một tháng chỉ được vài ngày, có những ngày không bán được chiếc nào. Không chỉ vùng trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, các đại lý ở huyện-nơi nhu cầu sử dụng xe máy vẫn còn nhiều nhưng cũng trong tình trạng tương tự. Anh Nguyễn Văn Thắng, quản lý đại lý Ngọc Cẩm Thạch, thị trấn Phước An (huyện Krông Pak) cho biết, trước đây bình quân mỗi tháng cửa hàng bán 400-500 chiếc, nay tháng nào may mắn lắm cũng chỉ bán được đôi, ba trăm chiếc. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có 3 - 4 chiếc xe máy nhưng lượng người có nhu cầu đổi xe mới ít nên lượng xe bán ra khó có thể tăng. Trong khi đó, giá chi phí nhân công, điện nước tăng liên tục nên cửa hàng phải cắt giảm nhân viên xuống còn 20 người, nhiều nhân viên phải kiêm nhiệm hoặc chuyển sang bộ phận khác.
Một đại lý xe máy trên đường Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột vắng khách đến mua xe. |
Có một đặc điểm của thị trường xe máy ở Dak Lak là phụ thuộc nhiều vào mùa thu hoạch nông sản, cụ thể thời điểm từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa thu hoạch cà phê, tiêu…, thị trường xe máy sôi động nhất, trong khi đó, thời điểm các tháng 7-8 là “mùa giáp hạt” của các cửa hàng xe máy do phần lớn nông sản người dân đã bán hết, lượng tiền trong dân không còn nhiều nên thị trường xe máy trầm lắng hẳn. Đặc biệt, hai năm nay thị trường không theo quy luật này nữa mà lượng xe bán ra tại các đại lý luôn ở mức thấp từ đầu đến cuối năm… Hiện tại, các địa điểm bán xe máy đều hy vọng mùa tựu trường vào các tháng 8 - 9, nhu cầu xe máy tăng lên sẽ “sưởi ấm” thị trường, kích thích lượng xe tiêu thụ, giúp các đại lý vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thị trường xe máy ế ẩm không chỉ khiến một số đại lý cắt giảm chi tiêu mà các dịch vụ ăn theo như dán xe, bán phụ tùng cũng trong cảnh sống lay lắt. Anh Huy-một thợ dán xe máy, điện thoại đường Phan Chu Trinh cho biết, gần đây, khách mua xe mới ít, thỉnh thoảng mới có khách đem xe đến dán. Nếu trước đây, bình quân mỗi tháng dán được 15 xe thì nay chỉ còn 5-7 chiếc, nên nhiều đồng nghiệp của anh đã bỏ nghề...
Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định số 356/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là hạn chế mức tăng số lượng xe máy bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật để khống chế lượng xe máy trong cả nước, dự kiến đến năm 2020 có khoảng 36 triệu chiếc. Nhưng đến thời điểm này, số lượng xe máy được sử dụng đã xấp xỉ 39 triệu chiếc - đó là lý do khiến thị trường xe máy bão hòa, khó phát triển mạnh.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc