Làm giàu từ vườn cà phê già cỗi
Anh Đinh Công Vi (dân tộc Mường, ngụ tại thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) là một trong những nông dân điển hình trong việc thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc trên chính mảnh vườn cà phê già cỗi của mình để làm giàu.
Lập gia đình với của hồi môn chỉ là 1 ha cà phê già cỗi, vốn liếng không nhiều, anh Vi luôn trăn trở làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo trên chính mảnh vườn của mình. Anh tính toán: Cà phê trồng từ năm 1980, nếu phá bỏ trồng lại thì cũng phải chờ đến 3, 4 năm mới cho thu hoạch. Khoảng thời gian trống đó biết lấy gì để sống? Thế là anh quyết định đầu tư thâm canh thông qua việc chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng cách và không quên bón phân sau thu hoạch để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tránh tình trạng năng suất năm được năm mất. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng các phế phẩm nông nghiệp vỏ trấu, cà phê… ủ làm phân hữu cơ để bón cho cây. Vào mùa mưa, cà phê dễ bị sâu bệnh, anh chỉ phun thuốc trừ sâu cục bộ trên những cây bị sâu hại chứ không phun đại trà như trước đây để tiết kiệm chi phí và giữ môi trường trong lành cho rẫy cà phê. Hằng năm, anh thay dần những cây cà phê già cỗi, năng suất kém và trồng xen bơ, sầu riêng để tăng thu nhập. Theo anh, cây cà phê ưa bóng mát, trồng thêm cây ăn quả với mật độ thích hợp không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mà còn có thêm nguồn thu. Cũng nhờ có cây che bóng tạo độ ẩm nên đã hạn chế phần nào nguồn nước tưới cho cây trong mùa nắng.
Anh Đinh Công Vi chăm sóc vườn cà phê của gia đình. |
Không chỉ quen với tay cày tay cuốc, tranh thủ những lúc nông nhàn, anh Vi thường lên mạng tìm hiểu những thông tin cần thiết để áp dụng vào việc chăm sóc vườn cà phê của mình, nhất là cách phòng trừ các loại sâu bệnh, kỹ thuật ủ phân hữu cơ chăm sóc cho cây trồng…
Đất đai không nhiều nhưng nhờ biết tính toán làm ăn cộng với tính tiết kiệm, đến nay gia đình anh Vi đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/ năm. Cái đói, cái nghèo bị đẩy lùi, anh xây được nhà cửa khang trang, sắm được ô tô, xe máy và các phương tiện hiện đại phục vụ sinh hoạt gia đình. Chăm lo làm kinh tế, nhưng anh Vi cũng ý thức dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt, từ đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các con ăn học đàng hoàng. Anh chia sẻ: Đời mình cực khổ nhiều, bố mẹ đã phải xa làng, bản, tận tỉnh Hòa Bình di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp, giờ có điều kiện rồi thì càng phải cố gắng hơn, nhất là tiếp tục cần cù lao động và tiết kiệm để cuộc sống gia đình luôn no đủ.
Nói về sự nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu của anh Vi, ông Nguyễn Vinh Quang, thôn trưởng thôn 8 cho biết, không chỉ làm kinh tế giỏi mà anh còn giữ cho mình lối sống chan hòa với bà con láng giềng, luôn tận tình trao đổi, chia sẻ cách thức làm ăn, giúp đỡ những người dân trong thôn cùng vươn lên thoát nghèo…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc