Multimedia Đọc Báo in

Liên kết trồng rừng: Lợi đôi đường

15:38, 16/08/2014

Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An (huyện Krông Pak) đã liên kết với nông dân trồng rừng, đem lại hiệu quả cao.

Điều đáng nói là việc trồng rừng không chỉ phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, mà còn góp phần không nhỏ trong việc phủ  xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường và phát triển hệ sinh thái bền vững.

Là một trong những đơn vị lâm nghiệp không còn rừng tự nhiên, để tìm hướng đi mới tạo nguồn nguyên liệu cũng như thu nhập lâu dài, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân các xã trên địa bàn huyện tham gia trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng, chủ yếu là cây keo. Sau gần 10 năm liên kết trồng rừng với người dân, diện tích đất trống, đồi trọc trên địa bàn đang dần được trải một màu xanh mát. Đây cũng là một cách làm góp phần giải quyết tình trạng nhân dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Để tạo sự đồng thuận và lòng tin của các hộ dân tham gia liên kết trồng rừng, ngoài việc cam kết hỗ trợ nguồn giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, phía Công ty còn chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân theo đúng cam kết là gần 17 triệu đồng/ha trong 4 năm đầu. Theo đó, trong năm đầu tiên, người dân sẽ được ứng trước 10 triệu đồng, qua năm thứ hai nhận 3 triệu và 2 năm tiếp theo mỗi năm nhận 2 triệu đồng. Từ năm thứ tư trở đi, người dân chỉ tham gia vào việc bảo vệ rừng cùng Công ty, không phải bỏ công chăm sóc như những năm đầu. Đến kỳ thu hoạch, mỗi ha phải nộp lại cho Công ty 70m3 gỗ (đường kính trên 14 cm), số còn lại hộ dân được hưởng.

Là một trong những hộ dân tham gia liên kết trồng rừng với Công ty từ năm 2004, ông Võ Thuấn (thôn 5, xã Tân Tiến) nhận thấy nhiều lợi ích thiết thực của việc trồng rừng đem lại nên trong năm 2014 ông đã đăng ký nhận 5,3 ha đất để trồng cây keo lai. Ông Thuấn cho biết: “Năm 2005, tôi nhận 4,8 ha đất rừng trồng cây keo, đến cuối năm 2013 sau khi thu hoạch, nộp đủ số gỗ theo quy định cho Công ty và trừ hết các chi phí tôi còn lãi 193 triệu đồng. Ngoài ra, với số tiền hỗ trợ trong năm đầu của Công ty là 10 triệu đồng/ha thì tôi chỉ đầu tư hết 6 triệu vì tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình”. Với năng suất ước đạt khoảng 120 - 140m3 gỗ/ha trong thời gian trồng (khoảng 8 năm) thì người dân có thể cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha sau khi trừ hết các chi phí. Thêm vào đó, ngoài khả năng kháng sâu bệnh của keo lai rất tốt, cây còn có ưu điểm là cao thẳng, đồng đều, tỷ lệ gỗ thương phẩm cao. Chính hiệu quả kinh tế mang lại đã tạo động lực thu hút nhiều hộ dân đăng ký trồng rừng vì ngoài việc bán gỗ cây lớn để làm đồ mỹ nghệ, xây dựng thì những loại gỗ nhỏ có thể bán làm nguyên liệu bột giấy.

Rừng keo vừa tròn một năm tuổi của người dân thôn 5, xã Tân Tiến.
Rừng keo vừa tròn một năm tuổi của người dân thôn 5, xã Tân Tiến.

Trước đây, việc sản xuất của người dân buôn Ea Dray, xã Hòa Tiến chỉ phụ thuộc vào việc trồng cà phê, lúa nước và cây hoa màu khác nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi tham gia liên kết trồng rừng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An, không những đời sống nhân dân được cải thiện mà cánh rừng trơ trụi trước kia cũng đang dần được thay thế bằng màu xanh của những hàng keo tươi tốt. Được biết, buôn Ea Dray có 121 hộ thì hiện có 63 hộ nhận trồng và chăm sóc rừng. Ông Ma Phon, một hộ dân trong buôn chia sẻ: “Gia đình tôi có 7 nhân khẩu, thu nhập chỉ trông chờ vào 5 sào đất trồng cà phê và 3 sào lúa nước, nên khi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An thông báo kế hoạch trồng rừng gia đình tôi đã đăng ký nhận 5 ha. Để tăng thêm thu nhập, tôi đã áp dụng kỹ thuật nông lâm kết hợp trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu, lạc vừa diệt cỏ dại khi chăm sóc cây ngắn ngày vừa tiết kiệm được công chăm sóc cho cây trồng chính để “lấy ngắn, nuôi dài”.

 Cùng với việc trồng rừng nâng cao hiệu quả kinh tế, nhận thức của người dân cũng được nâng cao trong việc bảo vệ, hạn chế nạn xâm chiếm rừng trái phép. Đồng hành cùng với nhân dân trong quá trình liên kết trồng rừng, phía Công ty sẵn sàng ứng trước tiền cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời trong quá trình trồng và chăm sóc luôn cử cán bộ đến cùng làm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. “Nhờ sự đồng thuận và liên kết chặt chẽ của các hộ dân nên kế hoạch trồng rừng năm 2014 (với diện tích 400 ha) đã hoàn thành sớm hơn so với mọi năm. Tính đến thời điểm này, Công ty đã liên kết với trên 500 hộ dân trồng hơn 1.500 ha đất rừng. Ngoài ra, quá trình khai thác gỗ rừng trồng luôn được kiểm tra và thống nhất giữa hai bên nên không xảy ra tình trạng bán keo non hoặc chặt hết một mảng rừng cùng lúc làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; ngược lại luôn được phân chia từng khu vực, thời điểm khai thác hợp lý”, anh Hoàng Thanh Hiền - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An phấn khởi nói.

Có thể nói đây là mô hình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường; do đó cần được nhân ra trên diện rộng nhằm giảm thiểu tình trạng “nóng” việc lấn chiếm, chặt phá rừng…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.