Mua hàng trả góp: Tưởng rẻ hóa đắt
Khách xem điện thoại tại một siêu thị điện máy mua theo phương thức "trả góp" |
Tại cửa hàng Toàn Phát trên đường Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột), khi hỏi mua một chiếc Ipad Ari 32 GB của FPT có giá 16.990.000 đồng, trả trước 6.796.000 đồng theo hình thức trả góp 12 tháng thì tổng số tiền thanh toán trả trước và trả sau là 20.488.000 đồng, số tiền lãi 12 tháng của 10.194.000 đồng là 3.498.000 đồng.
Còn với chiếc xe máy Air Blade trị giá 40.300.000 đồng tại cửa hàng Văn Sỹ I, đường Nguyễn Tất Thành, khi trả trước 15.300.000 đồng, chọn gói trả góp trong vòng 24 tháng của một công ty tài chính có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh thì mỗi tháng người mua phải trả 1.659.875 đồng, trong đó 618.208 đồng tiền lãi (chiếm hơn 1/3). Như vậy, sau 24 tháng tổng số tiền khách hàng phải trả chiếc xe máy trên là 55.137.000 đồng, cao hơn hình thức trả một lần là 14.837.000 đồng.
Với khoản lợi nhuận khổng lồ từ hình thức cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính đua nhau mở các điểm “Tư vấn mua hàng trả góp” tại các siêu thị, cửa hàng điện máy, xe máy; nhiều công ty sử dụng chiêu bài khuyến mãi tặng 1 - 2 tháng cuối cả gốc lẫn lãi… để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khi tính toán thiệt hơn giữa các gói vay thì người tiêu dùng vẫn phải chịu mức lãi suất ngất ngưởng. Cụ thể: tại cửa hàng Thế Giới Di Động, khi mua chiếc máy tính xách tay Dell với giá 15.190.000 đồng, trả trước 5.000.000 đồng trong thời gian 12 tháng người mua được phía công ty tặng tháng cuối cùng, chỉ cần trả số tiền gốc lẫn lãi trong 11 tháng thì tổng số tiền trả góp và trả trước là 19.872.000 đồng, trong đó tiền lãi của 10.190.000 đồng vay của công ty tài chính là 4.682.000 đồng, tương đương mức lãi suất tháng khoảng 4,17%, lãi suất năm khoảng 50,12%. Với mức lãi suất trên, nhiều người loay hoay mãi mới trả hết nợ, thậm chí nơm nớm lo âu, sợ phạt. Chị Trần Thị Ngọc Mỹ, xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) cho biết, năm 2012 chị có mua chiếc xe Wave RS theo hình thức trả góp, ban đầu nghĩ cũng tiện lợi bởi mình chưa đủ tiền trả vẫn mua được xe mới để đi, nhưng trả mãi không hết nợ nên áp lực rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Nhiều khi đến ngày đóng tiền mà chưa có, chị phải chạy đôn chạy đáo mượn khắp nơi, vì nếu không sẽ bị phía công ty phạt hơn 100.000 đồng/ngày. Không chỉ trả tiền gốc, lãi mà còn do nhà xa không thể đóng tiền trực tiếp nên hằng tháng chị phải chịu phí chuyển tiền tới các công ty tài chính.
Một cán bộ ngân hàng cho biết, mức lãi suất vay vốn của các ngân hàng dao động từ 11-13%/năm, chỉ bằng 1/5 lãi suất vay tiêu dùng của các doanh nghiệp tài chính tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn. Không thể phủ nhận những lợi ích kích cầu tiêu dùng của mua hàng trả góp như: người mua sở hữu được món hàng mà mình có nhu cầu, cửa hàng bán được sản phẩm, công ty tài chính tìm được người vay; tuy nhiên việc áp dụng mức lãi suất của các doanh nghiệp tài chính như vậy là quá cao. Bởi vậy, trước khi mua hàng trả góp, người tiêu dùng cần tính toán kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất phải trả… để khi làm hợp đồng yêu cầu người làm hồ sơ ghi rõ mức lãi suất, cơ sở tính… nhằm tránh rủi ro về tài chính.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc