Nghề thủ công truyền thống và bài toán nguyên liệu
Dạy nghề mây tre đan ở xã Tân Tiến (huyện Krông Pak). Ảnh: Minh Quân |
Hợp tác xã mây tre đan, thổ cẩm Ea Kao là đơn vị đã khẳng định được tên tuổi trong sản xuất hàng mây tre đan thời gian qua, với một số sản phẩm chất lượng như bàn, ghế mây, ủ ấm, cơi trầu, sọt đựng trái cây..., tuy nhiên, cơ sở sản xuất của HTX này hiện cửa đóng then cài im ỉm. Ông Nguyễn Hữu Quân, Chủ nhiệm HTX cho hay, hoạt động sản xuất, đan lát của HTX đã nghỉ được mấy tháng nay do không có nguyên liệu. Hằng năm, HTX đều hợp đồng mua nguyên liệu từ các đơn vị lâm nghiệp ở các huyện: Ea Kar, Lak rồi thuê người dân địa phương khai thác, nhưng chỉ có thể lấy được vào mùa khô, còn mùa mưa từ tháng 5 – 10, đơn vị phải ngừng sản xuất. Điều này không những khiến HTX không có nguồn thu mà các xã viên, người lao động không muốn gắn bó với nghề. Mặc dù đơn vị muốn thu gom, dự trữ nguồn nguyên liệu để sản xuất quanh năm, nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên phải chấp nhận tình trạng “ăn đong” đến đâu hay đó. Để chủ động nguồn nguyên liệu, HTX đã tính đến chuyện trồng các loại cây mây, tre…, nhưng do không có quỹ đất, nguồn vốn nên phải mua cây giống về giao cho các xã viên trồng tận dụng ven bờ rào hoặc đất trống nhưng không thành công. Bên cạnh đó, gần đây giá nguyên liệu tăng càng khiến HTX chật vật hơn trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để khắc phục, HTX đã tăng cường sử dụng các loại dây nhựa, cao su thay cho dây mây ở một số bộ phận nhằm giảm đến mức thấp nhất lượng tre, nứa bị lỗi do quá trình chế tác gia công. Đó cũng là tình trạng chung của các cơ sở mây tre đan khác khi hầu hết không chủ động được nguyên liệu, phải mua từ nơi khác về. Ông Nguyễn Hữu Quân cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các cơ sở sản xuất mây tre đan cần chủ động trong việc xây dựng quy hoạch vùng trồng nguyên liệu ổn định để nghề truyền thống phát triển một cách bền vững.
Dệt thổ cẩm tại Hợp tác xã Tơng Bông (xã Ea Kao - TP. Buôn Ma Thuột). |
Cùng với đó, nghề dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ cũng lâm vào tình trạng khó khăn tương tự khi thiếu nguồn nguyên liệu tự nhiên. Chị H’Yam Bkrông, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, do nguồn sợi, vải làm từ bông vải, lụa ngày càng khan hiếm, thuốc nhuộm từ vỏ cây rừng cũng khó kiếm, nên dệt thổ cẩm bằng chất liệu tự nhiên là rất khó khăn, các sản phẩm thổ cẩm phải dùng sợi công nghiệp để dệt… Trong khi đó, các cơ sở mộc mỹ nghệ cũng hoạt động èo uột do nguyên liệu khan hiếm, giá cao. Anh Bùi Văn Phong, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ trên đường Mai Xuân Thưởng (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, mấy năm nay, nguồn gỗ tự nhiên, đặc biệt là các loại gỗ chất lượng cao không còn dồi dào như trước, giá tăng cao nên rất khó thu mua, nhiều khi khách đặt hàng nhưng không tìm được gỗ để làm nên mất uy tín. Một số cơ sở mộc bị phá sản hoặc chuyển qua làm mộc dân dụng.
Được biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 HTX, cơ sở mỹ nghệ sản xuất hàng mây tre đan, thổ cẩm, rượu cần và mộc mỹ nghệ đăng ký kinh doanh, cùng với hàng nghìn cơ sở khác (chủ yếu là mộc mỹ nghệ) đang hoạt động. Cán bộ Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cho rằng, nghề TCTT góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, bên cạnh đó, nhiều lớp đào tạo nghề cũng được tổ chức tại các thôn, buôn, khiến số lượng cơ sở và sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng tăng lên. Để giải quyết vấn đề về nguyên liệu, bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu mây tre đan, bông vải, rừng trồng, các cơ sở sản xuất cần tận dụng nguồn gỗ thanh lý, tận thu từ các khu rừng trồng và rừng nguyên liệu nhằm giảm dần việc sử dụng nguyên liệu gỗ quý, đồng thời, phát triển sản xuất tại chỗ các vật tư, phụ kiện và tăng cường liên kết để giảm chi phí đầu vào, chủ động về nguồn nguyên vật liệu cho mình.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc