Multimedia Đọc Báo in

Người tiêu dùng cảnh giác hơn với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc

10:35, 15/09/2014
Trước những thông tin về hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc như: các sản phẩm quần áo, máy móc, thiết bị đến các loại thực phẩm rau củ quả, bánh kẹo, nước uống… có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, người dân cần cảnh giác hơn khi mua sắm, tiêu dùng.

Chị L.T.K. (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Hàng hóa có nguồn gốc không rõ ràng hay hàng Trung Quốc chất lượng không bảo đảm tràn lan khiến người dân chúng tôi lo lắng khi lựa chọn hàng hóa, nhất là thực phẩm”. Thời gian gần đây, những câu hỏi như: “Hàng này ở đâu?”, “Hàng của Trung Quốc hả?”, “Có phải hàng Trung Quốc không?”… dường như đã trở nên quen thuộc đối với các cơ sở kinh doanh. Chị N.T.H, chủ một cửa hàng quần áo tại chợ Buôn Ma Thuột cho hay: “Từ khi biết được những thông tin về hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc không bảo đảm chất lượng, khách hàng cẩn thận hơn khi chọn lựa, trước khi mua họ luôn hỏi rõ về nguồn gốc. Nếu đó là hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc khách hàng liền tỏ vẻ e ngại hoặc dứt khoát không mua”. Không chỉ riêng mặt hàng quần áo, chị V.H.L, chủ một tiệm trái cây tại chợ Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Khách hàng từ chối mua các loại trái cây mà họ nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc, chủ yếu là nho, táo, lê… Nguyên nhân là do họ nghi ngờ chất lượng của các loại hàng hóa này không bảo đảm, và nỗi ám ảnh của người dân trước những thông tin như: Nước ngọt Trung Quốc làm bằng hóa chất gây ung thư; bánh kẹo Trung Quốc có chất độc nguy hiểm cho trẻ; sữa bột cho trẻ có vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy; hoa quả Trung Quốc nhiễm độc, có chất phá hủy nội tạng…

Cảnh mua bán tại chợ Quảng Điền (huyện Krông Ana).
Cảnh mua bán tại chợ Quảng Điền (huyện Krông Ana).

Người mua đề phòng, người buôn bán cũng cẩn thận hơn khi lựa chọn nguồn hàng, những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc có nguồn gốc không rõ ràng bởi những mặt hàng này đang dần bị người tiêu dùng tẩy chay. Chị V.T.O, chủ một quầy quần áo tại chợ Hòa Thắng chia sẻ: Không chỉ khách hàng, ngay chính bản thân chị cũng đã chịu hậu quả khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc từ chính sạp quần áo nhà mình. Sau khi mặc chiếc quần thun có xuất xứ từ Trung Quốc, chị bị nổi mẩn đỏ, dị ứng trên da, may mắn rằng chị đã nhanh chóng đi khám, điều trị kịp thời.

Thế mạnh của hàng Trung Quốc là đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, màu sắc; giá thành rẻ, đó chính là lý do mà nhiều khách hàng “xiêu lòng”. Đến nay, trước các thông tin về mức độ nguy hại, nhiễm hóa chất của hàng Trung Quốc, người tiêu dùng đã bắt đầu “có phản ứng” cảnh giác và “nói không” với hàng Trung Quốc kém chất lượng.

Nhà nước ta đang siết chặt quản lý các loại mặt hàng nhập lậu trên thị trường, tuy nhiên vẫn khó có thể kiểm soát triệt để. Vẫn còn nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc không rõ ràng hoặc hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc không bảo đảm chất lượng bày bán tràn lan khắp nơi. Mong rằng, cơ quan chức năng có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa trong khâu quản lý chất lượng cũng như kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, người tiêu dùng cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, cẩn trọng hơn khi lựa chọn hàng hóa nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình khi sử dụng.

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.