Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách những tháng cuối năm 2014
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2014 chỉ mới đạt 2.356 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán HĐND tỉnh giao, cùng với nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế khó có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Điều này đang khiến cho chính quyền cũng như các sở, ngành, địa phương “đau đầu” với nhiệm vụ tài chính – ngân sách những tháng cuối năm 2014…
Công nhân Công ty Cổ phần may Dak Lak làm việc tại xưởng. |
Tăng thu, giảm chi
Trước khả năng thu ngân sách Nhà nước không đạt theo kế hoạch đề ra, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo ngành Thuế cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác phối hợp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, gian lận giá. Rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí và lệ phí. Duy trì thường xuyên việc phối hợp giữa các cơ quan thuế với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra thuế và quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời số thuế đã được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các khoản phải thu theo kết quả kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật vào ngân sách Nhà nước…
Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ Trường Thành. |
Một trong những giải pháp tăng thu nữa, theo đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là các nguồn từ việc tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, nhà thuộc sở hữu Nhà nước và các tài sản, hàng hóa, bị tịch thu sung công quỹ; nguồn từ quyền sử dụng đất… Do đó, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai quyết liệt có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh nhiệm vụ tăng thu, UBND tỉnh cũng yêu cầu giảm chi ngân sách bằng cách thực hiện nghiêm túc chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi thường xuyên. Cụ thể, theo đồng chí Trần Hiếu, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện đối với các khoản chi mua sắm trang thiết bị, ôtô… Hạn chế tối đa việc tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, lễ khánh thành; kiên quyết cắt giảm, không tổ chức các hội nghị, hội thảo có nội dung không cấp bách. Không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách Nhà nước mà chưa xác định được nguồn bảo đảm… Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn theo đúng quy định. Trường hợp các dự án đã được tạm ứng vốn nhưng không thực hiện hoặc thực hiện sai mục đích thì khẩn trương thu hồi nộp trả vốn đã tạm ứng cho ngân sách Nhà nước. Hạn chế bố trí vốn cho các chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện dự án có số dư tạm ứng vốn lớn, quá thời gian quy định; thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn đối với phần kế hoạch vốn chưa được giải ngân của những dự án chậm triển khai.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh xã hội
Để chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách Nhà nước trong thời gian những tháng còn lại của năm 2014, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm dần số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực thuế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai, bất động sản, đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động…, tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao, bảo đảm vốn và kinh phí ngân sách Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả.
Đồng chí Trần Hiếu cho biết, trước tình hình thu ngân sách tại một số huyện, thị xã, thành phố có khả năng không đạt dự toán HĐND tỉnh giao, UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND cấp huyện xây dựng phương án xử lý hụt thu, huy động các nguồn lực để cân đối tài chính để cân đối ngân sách. Các địa phương cũng cần phải chủ động sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu ngân sách, bảo đảm cân đối thu – chi, trong đó tập trung ưu tiên chi lương, các khoản phụ cấp và thực hiện chính sách an sinh xã hội, không để tình trạng nợ lương và chế độ của các đối tượng được hưởng trên địa bàn.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc