Multimedia Đọc Báo in

Thêm nguồn lực giảm nghèo bền vững cho Dak Lak

10:40, 29/09/2014

Những năm qua, vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Dak Lak đã dành được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ cùng các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tiến độ giảm nghèo vẫn chậm và chưa mang nhiều yếu tố bền vững. Mới đây, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Dak Lak được khởi động, đây sẽ là nguồn lực mới cho Dak Lak trong công tác giảm nghèo bền vững.

Nguồn lực mới

Trong những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn, tạo ra hướng tiếp cận mới trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và thu nhập của người dân. Theo đó, công tác giảm nghèo trong khu vực Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng đã có bước tiến rõ rệt, số hộ thoát nghèo ngày càng tăng và khá nhiều hộ vươn lên làm giàu. Trong 3 năm (2011-2013), tỷ lệ hộ nghèo ở Dak Lak giảm xuống còn 12,26%; hộ cận nghèo giảm còn 6,99%; số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%) chỉ còn 5 xã. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao so với tổng số hộ thoát nghèo.

Chăn nuôi bò nông hộ sẽ được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Dak Lak lựa chọn làm mô hình đa dạng hóa sinh kế để triển khai tại các xã dự án.Trong ảnh: Chăn nuôi bò ở xã Xuân Phú, huyện Ea Kar).
Chăn nuôi bò nông hộ sẽ được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Dak Lak lựa chọn làm mô hình đa dạng hóa sinh kế để triển khai tại các xã dự án.Trong ảnh: Chăn nuôi bò ở xã Xuân Phú, huyện Ea Kar).

Trước thực trạng đó, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã được triển khai ở 26 huyện và 130 xã nghèo thuộc 6 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Dak Lak, Dak Nông, Quảng Nam và Quảng Ngãi để tiếp thêm nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo ở Tây Nguyên. Mục tiêu chủ yếu của dự án là có khoảng 540.000 người được hưởng lợi; có ít nhất 20% số người nghèo hài lòng về các ưu tiên phát triển của họ được dự án đáp ứng; tiêu dùng lương thực và phi lương thực của các hộ hưởng lợi tăng tối thiểu 10%; ít nhất 20% hộ nghèo được tiếp cận các loại hình dịch vụ, tiện ích và cơ sở hạ tầng. Dự án gồm 4 hợp phần chính, trong đó tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, buôn; tăng tự chủ về sinh kế thông qua củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng, thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình sinh kế, kết nối thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm; cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện để tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng; nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp... Điều đặc biệt là, Dự án được hoạt động theo nguyên tắc phát triển do cộng đồng định hướng, các đề xuất của cộng đồng sẽ được thảo luận và đưa vào kế hoạch hoạt động của dự án. Trọng tâm của Dự án là hỗ trợ phát triển sinh kế cho người hưởng lợi, các hộ sẽ được hướng dẫn để thành lập nhóm sinh kế nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên nhóm và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đối với các tiểu dự án cơ sở hạ tầng, dự án khuyến khích các đơn vị thi công sử dụng lao động địa phương, khuyến khích hình thức đấu thầu có sự tham gia của cộng đồng, đồng thời vai trò của cộng đồng sẽ được phát huy tối đa trong lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát hoạt động của dự án. Tổng mức vốn đầu tư cho dự án này là 165 triệu USD, tương đương 3.465 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ, trong đó Dak Lak được đầu tư 29,5 triệu USD.

Giảm nghèo bền vững

Đối với Dak Lak, Dự án này được thực hiện trên địa bàn 25 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên thuộc 5 huyện là Buôn Đôn, Krông Bông, Lak, Ea Súp và M’Drak. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm, đây là 5 huyện có xuất phát điểm kinh tế cũng như trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo trung bình ở các huyện này cao hơn 1,5 – 2,2 lần so với mức trung bình toàn tỉnh. Nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa còn hạn chế, cùng với đó là thiếu vốn, thiếu cơ chế phù hợp so với điều kiện kinh tế - xã hội của các huyện này. Mặt khác, điều kiện tự nhiên của các huyện trên khá phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, gây thiệt hại lớn về sản xuất, làm cho đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thêm khó khăn. Việc phối hợp giữa các ngành và lồng ghép thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo đạt hiệu quả chưa cao… Do đó, giảm nghèo bền vững ở các xã này vẫn là một thách thức lớn đối với tỉnh.

Mô hình ngô lai đơn V98-2 được trồng thí điểm tại huyện Buôn Đôn.
Mô hình ngô lai đơn V98-2 được trồng thí điểm tại huyện Buôn Đôn.

Dự án được triển khai tại Dak Lak sẽ giúp cho sự phát triển của địa phương, nhất là về bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện điều kiện dinh dưỡng cho người dân. Theo ông Nguyễn Đình Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên ở Dak Lak, qua nhu cầu thực tế của cộng đồng, trong kế hoạch 18 tháng sẽ có 5 mô hình sinh kế được lựa chọn triển khai tại các xã trên gồm: ngô lai, lúa, cải tạo vườn tạp, trồng mía, chăn nuôi, với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kỹ thuật nhằm giúp tăng hiệu quả của các mô hình, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án. Cũng từ nguồn vốn của Dự án, sẽ xây dựng 55 công trình cơ sở hạ tầng mang tính cộng đồng cao. Các hoạt động của Dự án đều được bảo đảm sẽ xuất phát từ nhu cầu của người dân trong vùng hưởng lợi, mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong thời gian thực hiện Dự án.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc