Multimedia Đọc Báo in

Trồng cao su trên đất rừng khộp - Đã đến lúc phải trả giá? (Kỳ I)

09:31, 09/09/2014

Kỳ I: Ồ ạt chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc phát triển cây cao su ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, tỉnh ta đã có quy hoạch về diện tích và lộ trình trồng thí điểm nhưng đến nay diện tích thực tế đã vượt xa quy hoạch đến mức báo động.

Bất chấp quy hoạch

Theo quy hoạch, 26.050,2 ha rừng nghèo sẽ được chuyển sang trồng cao su. Trong đó có 7.886,2 ha rừng khộp, chủ yếu tập trung ở các  xã Ea Bung, Ya T’mốt, Cư M’Lan (huyện Ea Súp) 6.087,1 ha và các xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na, Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) 1.799,1 ha. Trên địa bàn huyện Ea Súp có 12 dự án được phép trồng thí điểm cây cao su, mỗi dự án 100 ha, do các DN như: Công ty TNHH Gia Huy, Công ty Đại Thắng Dak Lak, Công ty Đức An... thực hiện. Ngoài Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng Kratie đang lập hồ sơ thiết kế, tận dụng gỗ trên diện tích trồng thí điểm, đến nay các dự án nằm trong quy hoạch trồng thí điểm đã trồng được 1.266/1.440 ha cây cao su, đạt 88% kế hoạch tỉnh giao. Thế nhưng trên thực tế, theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, tính đến nay, tổng diện tích cao su trên địa bàn huyện đã là 3.526 ha, vượt 280% quy hoạch giai đoạn 2009-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Diện tích cao su tăng mạnh, vượt xa quy hoạch là do các DN và người dân tự ý trồng. Chẳng hạn, ngoài 12 DN được UBND tỉnh đồng ý cho thuê đất trồng cao su đã trồng 1.266 ha, còn có 2 DN được UBND tỉnh cho thuê đất trồng rừng nhưng đã tự ý trồng cây cao su hỗn giao với keo lai trên 240 ha, và 2 Trung đoàn kinh tế 737 và 736 cũng đã trồng 276 ha. Đặc biệt hai xã Ia R’vê và Cư Kbang không được giao quy hoạch trồng cao su giai đoạn 2009-2015 nhưng đã có diện tích trồng 413 ha. Ngoài ra, Công ty Đức An do không được UBND tỉnh phê duyệt cho thuê đất, thuê rừng trồng cao su nên đã mua lại đất của dân để trồng 450 ha. Trong khi đó tại huyện Buôn Đôn, theo chủ trương của tỉnh, giai đoạn 2010-2015 trồng 500 ha và đến 2020, diện tích cao su trên địa bàn huyện là 1 nghìn ha, nhưng đến thời điểm này đã trồng 920 ha(?!)

Hàng nghìn héc ta đất rừng khộp đã được chuyển đổi sang trồng cây cao su.
Hàng nghìn héc-ta đất rừng khộp đã được chuyển đổi sang trồng cây cao su.

Đáng ngại diện tích “ăn theo”

Điều đáng nói là trong tổng diện tích cao su trồng trên đất rừng khộp tại hai huyện Ea Súp và Buôn Đôn thì cao su tiểu điền, do nhân dân trồng tự phát là rất lớn. Tại Ea Súp, diện tích cao su do các tổ chức, doanh nghiệp trồng là 2.232ha, còn lại 1.293ha là do nhân dân địa phương trồng rải ra khắp 10 xã, thị trấn. Theo Chủ tịch UBND xã Cư M'Lan Phạm Văn Thước, thực tế là khi thấy các DN trồng cây cao su, người dân  trong xã cũng đổ xô trồng theo mà chưa thể khẳng định hiệu quả đến đâu. Với kiểu làm “phong trào” như vậy, tại huyện Ea Súp đã có một số xã có diện tích lớn, vượt quy hoạch được phê duyệt giai đoạn 2010-2015 đến mức đáng báo động như xã Cư M’Lan 890/530 ha, xã Ia Jlơi 758/200 ha… Tương tự như vậy, diện tích cao su trồng ngoài kế hoạch của huyện Buôn Đôn cũng chủ yếu tập trung vào những vườn cây tiểu điền của người dân. Trong tổng số 920 ha cao su hiện có tại Buôn Đôn chỉ có 160 ha của các DN, còn lại là diện tích trồng tự phát trong dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Dương Văn Xanh cho rằng, diện tích cao su do trồng tự phát này rất đáng lo ngại, bởi hầu hết đều nằm ngoài vùng quy hoạch. Do vậy hiệu quả của những vườn cao su tiểu điền “ăn theo” này hiện vẫn còn là ẩn số.

Mặc dù diện tích cao su trồng trên đất rừng khộp đã vượt xa quy hoạch, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ tiếp tục trồng. Với thực trạng hiện nay, diện tích cao su trên địa bàn hai huyện Ea Súp và Buôn Đôn chắc chắn sẽ tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát nếu không có sự kiểm tra, chấn chỉnh cương quyết...

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800.000ha cao su, nhưng đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su cả nước đã là 915.000ha, vượt hơn 100.000 ha (13%). Nguyên nhân là do cao su tiểu điền phát triển vượt tầm kiểm soát của địa phương, nhất là giai đoạn từ 2009-2011, khi giá cao su đạt mức cao kỷ lục (120 triệu đồng/tấn).

(Còn nữa)

 Giang Nam

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.