Xây dựng mạng lưới chợ gắn với tiêu chí nông thôn mới ở Ea Kar
Khu nhà lồng chợ Ea Tyh với các ki ốt chật hẹp, tiểu thương bày bán hàng hóa lấn chiếm ra cả lối đi. |
Tương tự, chợ Ea Tyh cũng không có hệ thống thoát nước thải, không có khu vệ sinh, các lối đi thì quá chật hẹp, hệ thống điện do tiểu thương tự kéo nhờ từ nhà dân gần đó vào sử dụng trong chợ khá rối rắm, chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao! Thêm vào đó, thiết kế khu nhà lồng (dành để buôn bán mặt hàng quần áo) chật, thấp, các ki ốt bố trí gần đường đi nên khá chật chội, gây không ít trở ngại cho tiểu thương trong việc vận chuyển, bày biện hàng hóa cũng như khách hàng khi vào chợ. Theo Ban quản lý chợ Ea Tyh, chợ được xây dựng từ năm 2001, năm 2003 được nâng cấp một số hạng mục: khu nhà lồng (với 20 gian), hệ thống thu gom rác thải… nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của các hộ dân.
Thời gian qua, chợ nông thôn đóng vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, do đó, việc đưa các chợ nông thôn thoát khỏi tình trạng xập xệ, xuống cấp và ô nhiễm như tình trạng hiện nay là việc làm cần thiết. Hơn nữa, đầu tư nâng cấp, xây mới chợ còn góp phần hoàn thành tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) hiện nay.
Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực đẩy mạnh hoàn thành các tiêu chí khác của chương trình XDNMT, huyện Ea Kar cũng đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý của các chợ trên địa bàn, trong đó, định hướng xây dựng mạng lưới chợ nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới (theo tiêu chí số 7) được đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này không phải dễ dàng, bởi lẽ trên địa bàn có không ít chợ được hình thành tự phát mà không hề theo quy hoạch chung, các quầy, sạp, ki ốt được người dân tự cất, cơi nới lên để buôn bán trông rất lộn xộn như chợ Ea Bar, Ea Tyh. Cũng có chợ đã xây dựng nhà lồng nhưng lối đi quá chật hẹp, gây khó khăn cho việc bày bán hàng hóa, đi lại của người dân, khiến tiểu thương phải lấn ra đường để bày biện hàng hóa (chợ Ea Tyh); lại có chợ khuôn viên quá chật hẹp như chợ Ea Ô, chưa thể đáp ứng nhu cầu mua bán của tiểu thương và người dân bởi, chỉ với diện tích 3.380 m2 mà chợ lại có quá nhiều ki-ốt (105 quầy với 90 hộ kinh doanh) thường xuyên và không thường xuyên...
Theo ông Nguyễn Tấn Lượng, Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Ea Kar, để tìm cách phát huy tác dụng của chợ nông thôn, huyện Ea Kar đã chủ động kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa, lấy chợ nuôi chợ, đồng thời vận động bà con tiểu thương quyên góp đầu tư, nâng cấp chợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 12 chợ được xây mới, 5 chợ nâng cấp, với tổng kinh phí 55,5 tỷ đồng…
Nhưng đáng tiếc trong huyện chưa có xã nào có chợ đạt tiêu chí số 7 theo Chương trình XDNTM! Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, sẽ đầu tư xây mới chợ Ea Ô (xã Ea Ô, với kinh phí trên 5 tỷ đồng) đạt tiêu chí, và đến hết năm 2020, phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 7 về chợ nông thôn trên toàn địa bàn. (Trong khi đó, tại huyện Krông Pak, hiện tại đã có 6 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, gồm: Ea Kly, Vụ Bổn, Ea Knuêk, Ea Phê, Ea Kênh và Hòa Đông).
Cũng theo ông Lượng, với định hướng phát triển mạng lưới chợ theo đúng tiêu chí này, trong quá trình xây dựng, huyện sẽ cân nhắc lựa chọn kỹ nhà đầu tư, trong đó, tính toán kỹ sao cho phù hợp với đặc điểm, tập quán sinh hoạt của người dân, khả năng phát triển, thuận tiện giao thông để không chỉ thuận lợi cho người bán mà cả người mua khi vào chợ cũng thấy thoáng đãng, thoải mái.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc