Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Tập trung phát huy thế mạnh các cây, con chủ lực
Triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN-PTNT, Dak Lak cũng đã thực hiện tái cơ cấu theo hướng tập trung khai thác tối đa tiềm năng của các cây, con chủ lực như cà phê, cao su, bò sữa, cá nước lạnh... Đây là hướng đi hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương tăng trưởng về chất và phát triển bền vững.
Gia tăng giá trị cho cây, con chủ lực
Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Dak Lak đã xác định cây cà phê, cao su, ngô lai, bò sữa, nuôi cá nước lạnh là các sản phẩm chủ lực của tỉnh để nâng cao giá trị và triển phát triển bền vững. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tập trung phát triển cây cà phê bền vững trên cơ sở chuyển đổi cây trồng, giảm diện tích cà phê từ xấp xỉ 200.000 ha hiện nay xuống 163.000 ha vào năm 2020. Đến nay, tổng diện tích cà phê của Dak Lak đã vượt trên 203.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 190.208 ha, sản lượng ước đạt 462.433 tấn. Hiện nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung thâm canh, sản xuất cà phê theo hướng bền vững, không mở rộng thêm diện tích, thực hiện tái canh cà phê theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đã có 11 huyện, thị xã, thành phố (Krông Ana, Krông Pak, Krông Buk, Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea Kar, Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột) thực hiện tái canh được gần 2.300 ha, đạt 61,03% kế hoạch năm 2014, trong đó, diện tích tái canh hộ gia đình trên 2.123 ha và diện tích tái canh của các Công ty cà phê trên 170 ha. Điều đáng chú ý là người trồng cà phê bắt đầu hướng tới sản xuất cà phê có chứng nhận để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị cho hạt cà phê bằng cách liên kết nông hộ thành tổ hợp tác, hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ về kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm. Theo Hiệp Hội Cà phê Buôn Ma Thuột, trong vài niên vụ gần đây, sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận (4C, UTZ Certified, Rainforest, Alliance, Fairtrade) gia tăng nhanh về quy mô và sản lượng, trong đó, cà phê xác nhận 4C chiếm khoảng 40% diện tích và 60% sản lượng cà phê toàn tỉnh. Điều này đã góp phần đáng kể vào gia tăng thực hành nông nghiệp tốt, hiệu quả đầu tư và tăng thu nhập cho người sản xuất, đồng thời giảm tác động tiêu cực lên môi trường...
Nông dân huyện Krông Pak đầu tư thâm canh vườn cà phê. |
Ngoài cây cà phê, một số cây trồng chủ lực của tỉnh như cao su, hồ tiêu, ngô lai... cũng được ngành nông nghiệp chú trọng phát triển ổn định. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn như xây dựng cánh đồng mẫu ngô lai, đồng thời tăng hệ số sử dụng đất, thực hiện đầu tư thâm canh... Đặc biệt, các mô hình trồng xen canh như: tiêu xen cà phê, cây ăn trái (sầu riêng, mít, bơ) xen cà phê… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên một diện tích đất cho nông dân. Đối với ngành chăn nuôi, các địa phương cũng từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp…, phù hợp với điều kiện và lợi thế vùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, đối với cá nước lạnh, tỉnh đang tập trung khai thác tiềm năng cá tầm và cá hồi. Hiện nay, số lượng con giống cá tầm khoảng 40.000 con, tổng số lồng thả 75 lồng. Tổng khối lượng cá tầm trên địa bàn tỉnh khoảng 28 tấn, một số cá lớn đã chuyển lên hồ thủy điện Tuyền Lâm (tỉnh Lâm Đồng) để nuôi vỗ cho đẻ; cá hồi vân được Công ty cổ phần Yang Hanh nuôi chủ yếu ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, đến nay Công ty đã xuất bán, đồng thời tập trung triển khai dự án ương giống cá hồi.
Đẩy mạnh phát triển thủy lợi
Theo Sở NN-PTNT, hiện ngành nông nghiệp tỉnh có 2 nỗi lo lớn là giá cả nông sản và thiên tai. Chính vì vậy, bên cạnh việc tái cấu trúc sản xuất, tổ chức chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường, thì phát triển thủy lợi đáp ứng được nhu cầu của sản xuất là điều rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng nông sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 754 công trình và đang tưới ổn định cho 227.799 ha, trong đó lúa đông xuân 28.303 ha, lúa vụ mùa 53.056 ha, cà phê 131.962 ha, hoa màu và cây khác 14.478 ha, đã đáp ứng được gần 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Điều đáng chú ý là đã có nhiều mô hình tưới nước tiên tiến như tưới nhỏ giọt, phun sương, tiết kiệm... kèm với bón phân được nông dân áp dụng một cách khoa học và phù hợp trên các loại cây trồng (cà phê, tiêu, rau) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do đầu tư xây dựng mới và tu bổ nâng cấp công trình thủy lợi còn hạn chế so với nhu cầu nên năng lực tưới chưa bảo đảm, một số địa phương vẫn bị hạn (M'Drak, Krông Bông, Ea Kar, Krông Pak, Cư Kuin,…); các mô hình tưới tiên tiến còn ở quy mô nhỏ, chưa được áp dụng đại trà, đó là chưa kể khoảng 110 công trình hồ, đập bị mất an toàn trong mùa mưa lũ, trong đó có 54 công trình cực kỳ nguy hiểm cần sửa chữa cấp bách, nhưng đến nay vẫn chưa có đủ kinh phí.
Chế biến ướt ở Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi góp phần nâng cao giá trị cho hạt cà phê. |
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh hồi đầu tháng 10 - 2014, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngành nông nghiệp của Dak Lak phát triển với tốc độ khá cao, do vậy tỉnh cần sớm chỉ đạo lập đề án tổng thể để có giải pháp phù hợp đối với từng loại cây, con chủ lực. Trong đó, cần xác định cà phê là cây “đặc sản” của tỉnh để chú ý phát triển vì thị trường cà phê trong dài hạn sẽ rất tốt, nhất là cà phê Robusta. Vì vậy, bên cạnh thực hiện tốt chương trình tái canh, thương mại, chế biến…, tỉnh cần đặc biệt chú ý đến phát triển thủy lợi dành riêng cho cây cà phê, nhất là các biện pháp tưới tiên tiến. Bộ trưởng đã giao cho Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Tổng cục Thủy lợi, Sở NN-PTNT nghiên cứu, thực hiện các phương án thí điểm tưới tiên tiến trên cây cà phê để tiến hành nhân rộng.
Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Dak Lak là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP bình quân ngành nông, lâm, thủy sản 4,26%/năm (giai đoạn 2011-2015) và 4,96%/năm (giai đoạn 2016-2020). Cơ cấu GDP theo giá hiện hành 42,1% (giai đoạn 2011-2015) và 38,9% (giai đoạn 2016-2020); giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% năm 2015 và 5% vào năm 2020; thu nhập hộ gia đình nông thôn năm 2015 tăng 2 lần so với năm 2010. Đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng lên 43,1% năm 2015 và 45,1% vào năm 2020, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh cho quốc gia.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc