16:59, 27/10/2014
Thời gian qua, vấn đề nan giải nhất của nền kinh tế cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng là tăng trưởng tín dụng đạt rất thấp. Từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, nếu chỉ dựa vào tăng trưởng mạnh tín dụng vào cuối năm như đã thành lệ của các năm trước thì khó có thể đạt được mục tiêu.
Thực tế, thị trường tiền tệ đến thời điểm này lãi suất cho vay đã giảm sâu, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn hạn chế, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh (DN) gặp nhiều khó khăn. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Dak Lak (NHNN), đến nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 2,1% so với đầu năm. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 41.109 tỷ đồng (tăng 851 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước 23.509 tỷ đồng (chiếm 57,2% tổng dư nợ, giảm 3,0% so với đầu năm); dư nợ cho vay trung và dài hạn ước 17.601 tỷ đồng (chiếm 42,8% tổng dư nợ cho vay, tăng 9,8% so với đầu năm). Với những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thời gian qua, NHNN đã triển khai một loạt giải pháp hỗ trợ DN như thông qua chương trình kết nối ngân hàng – DN cho vay theo chuỗi trong nông nghiệp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN nói chung, DN vừa và nhỏ nói riêng thông qua việc cơ cấu lại lãi suất cũng như thời hạn trả nợ. Trong cơ cấu dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, dư nợ cho vay lãi suất đến 9% còn 9.552 tỷ đồng (chiếm 23,2% tổng dư nợ cho vay), dư nợ cho vay với lãi suất trên 13% chỉ còn 5.160 tỷ đồng (chiếm 12,6% tổng dư nợ cho vay)… Một biện pháp nữa góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN là hiện nay, khi cho vay thì các ngân hàng đã dựa nhiều hơn vào phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hiệu quả và khả năng trả nợ, cũng như đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật chứ không quan tâm nhiều đến quy mô, danh tiếng DN.
|
Khách hàng đang giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Dak Lak. |
Với những biện pháp tích cực như vậy, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện. Theo đại diện một ngân hàng thương mại, lãi suất không phải là vấn đề đối với DN hiện nay mà khó khăn lớn nhất chính là sức mua của thị trường giảm sút, DN không tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho lớn và thua lỗ.
Có một tín hiệu vui đó là dù tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng tỷ lệ dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng mạnh so với đầu năm, cho thấy vốn vay đã được "rót" vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa với dấu hiệu đi lên của nền kinh tế. Mặc dù vậy, căn cứ mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12% đến 14% của Chính phủ, đòi hỏi các cấp, ngành cần đưa ra các giải pháp đồng bộ và thiết thực để tháo gỡ khó khăn của DN nhất là về chính sách thuế, tiêu thụ hàng tồn kho… cùng các giải pháp hữu hiệu khác nhằm kích thích tiêu dùng nội địa, tăng xuất khẩu...
Một thông tin đáng chú ý trong Chương trình đối thoại “Khơi dòng tín dụng cho nền kinh tế” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 18-10 vừa qua đó là hiện nay đang có một thực trạng là 75% DN không có nhu cầu vay vốn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc