Multimedia Đọc Báo in

Nuôi heo bằng... máy lạnh

12:16, 25/10/2014

Đây là hình thức liên kết nuôi heo thịt gia công với các công ty thức ăn chăn nuôi, được nhiều nông dân tại huyện Cư Kuin lựa chọn và mang về số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nuôi.

Mô hình khép kín

Hình thức chăn nuôi này đang phát triển mạnh và mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân tại các xã như Ea Bhôk, Dray Bhăng…, phía công ty đầu tư con giống, thức ăn theo định mức, hướng dẫn và giám sát kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm, người nông dân chỉ việc đầu tư chuồng trại và công chăm sóc đàn heo. Để chăn nuôi theo cách này, chuồng trại phải được khép kín, bảo đảm các yếu tố: nhiệt độ ổn định, thức ăn đủ dinh dưỡng (100% là cám viên), vệ sinh sạch sẽ, phòng bệnh đầy đủ và cách xa khu dân cư. Theo đó, chuồng trại được thiết kế theo đúng bản vẽ phía công ty giao, có hệ thống làm lạnh được điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với tháng tuổi của vật nuôi, vòi nước uống, máng ăn tự động, có bể tắm làm mát cho heo, kho nhà chứa thức ăn, bể nước, hầm bioga được thiết kế bảo đảm phân, nước thải được xử lý chống ô nhiễm môi trường…

Trang trại chăn nuôi được đầu tư bài bản của chị Nguyễn Thị Hường.
Trang trại chăn nuôi được đầu tư bài bản của chị Nguyễn Thị Hường.

Trên diện tích 2 sào cà phê già cỗi, bạc màu, năm 2013, hộ chị Nguyễn Thị Hường (thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng) phá đi và bỏ ra trên 1,5 tỷ đồng đầu tư chuồng trại theo đúng quy chuẩn để chăn nuôi heo liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là công ty CP). Theo chị, 1.000 con heo giống ban đầu sau khoảng 4,5 tháng xuất chuồng với trọng lượng trung bình từ 1 đến 1,5 tạ/con. Cứ mỗi ký heo hơi, người nuôi nhận được 3.000 đồng tiền gia công chăm sóc, tính ra bình quân mỗi lứa chị thu về cũng được trên dưới 300 triệu đồng. Chị Hường cho hay, nuôi theo kiểu này rất tiện lợi cho việc chăm sóc, bởi chuồng trại được khép kín để kiểm soát nhiệt độ, hệ thống cho ăn, uống nước được tự động (heo chỉ ăn cám công nghiệp 100%) giúp tiết kiệm lao động, thời gian, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn bảo đảm điều kiện cho heo phát triển. Hằng ngày, ngoài việc đổ cám vào máng, theo dõi đàn heo, chị chỉ tốn thời gian quét dọn chuồng trại hai lần.

Trang trại của anh Nguyễn Trọng Anh (thôn 3, xã Ea Bhôc) là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình liên kết chăn nuôi heo gia công. Theo anh, chăn nuôi theo kiểu này khá mới mẻ với nhiều hộ nông dân và đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt về xây dựng chuồng trại, xử lý chất thải…, song được cái rất an  toàn và ổn định. Anh Trọng Anh nhớ lại, có một thời gian, nuôi heo đối với bà con nông dân như ngồi trên đống lửa, bởi nhiều hộ vừa đầu tư con giống, công sức vừa phập phồng lo sợ giá heo hơi rớt giá, nay chăn nuôi theo hình thức liên kết với công ty, điều quan trọng là chẳng phải lo việc giá cả bấp bênh hay con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao và loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, khiến nhiều bà con yên tâm hơn. Ngoài việc bảo đảm vệ sinh môi trường, nguồn thức ăn sạch sẽ thì việc tiêm phòng dịch cũng được các bác sĩ thú y của phía công ty giám sát rất kỹ lưỡng nên tránh được các loại dịch bệnh. Hiện, trong chuồng của anh lúc nào cũng có gần 1.000 con heo thịt, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Từ chỗ mạnh dạn đầu tư làm ăn, sau 4 năm gắn bó với mô hình này anh đã có một khoản tiền tích lũy kha khá để tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Mở hướng làm giàu cho nông dân

Huyện Cư Kuin hiện có 66 trang trại, trong  đó có 55 trang trại chăn nuôi tập trung (tăng 10 trang trại so với năm 2013). Riêng đàn heo có trên 36.000 con, tập trung ở các xã Dray Bhăng, Hòa Hiệp, Ea Ktur, Ea Bhôc.

Thời gian qua, việc chăn nuôi trên địa bàn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn lại được hộ gia đình tự túc tổ chức sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, chăn nuôi theo tập quán mà ít quan tâm đến thông tin, nhu cầu thị trường, không có sự liên kết nên lắm lúc người nuôi lâm vào cảnh thua lỗ nặng do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Ngược lại, mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp phù hợp với những hộ có nhiều nhân công, quỹ đất rộng (nhất là tận dụng được quỹ đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng cho năng suất cây trồng thấp), và có tính an toàn cao.

Từ khi mạnh dạn đầu tư chuồng trại bài bản, tuân thủ theo đúng các quy trình chăm sóc, những năm gần đây, việc nuôi heo gia công tại các trang trại ở Cư Kuin đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, góp phần chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp. Điều này khiến các hộ chăn nuôi thấy phấn khởi, trên đà đó, một số hộ đã mạnh dạn tái đàn, mở rộng quy mô chuồng trại và tiếp tục gắn bó với mô hình này... Có thể nói, thành công bước đầu với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Hơn nữa, thông qua mô hình này, người nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm áp dụng cho các lần sản xuất tiếp theo.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cư Kuin cho hay, 4 năm trở lại đây, một số Công ty thức ăn chăn nuôi đã triển khai mô hình liên kết chăn nuôi trên địa bàn, với khoảng 10 hộ tham gia đã tạo ra các trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa khép kín. Hình thức này mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế cao cho cả hai phía, góp phần tăng đáng kể thu nhập cho nông dân ở địa phương. Tuy nhiên, việc liên kết này lại đòi hỏi những hộ có điều kiện kinh tế tương đối chắc mới có thể triển khai được, do vốn để đầu tư chuồng trại ban đầu không hề nhỏ.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.