Multimedia Đọc Báo in

Vì sao nông dân không dám trồng giống cây ca cao hỗ trợ?

09:27, 28/10/2014
Thời gian qua, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ca cao được triển khai tại huyện Buôn Đôn vì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Nhưng khi triển khai đã xuất hiện nhiều bất cập, trong đó có vấn đề chất lượng cây giống cung cấp cho nông dân.
 
Bà Lương Thị Thông (thôn 8, xã Ea Wer) có 1,5 sào trồng ca cao đã gần 2 năm nay; tháng 7 vừa qua, bà đăng ký xin thêm 100 cây giống từ Phòng NN-PTNT huyện về trồng dặm, nhưng hiện bà vẫn chưa dám trồng vì chất lượng cây giống không bảo đảm. Bà Thông cho biết, ngay khi nhận cây giống đã thấy lá vàng úa, cây èo uột, gia đình bà phải xếp cây dưới bóng râm để chăm sóc, nhưng không thể phục hồi được. Cùng tình cảnh trên, bà Phan Thị Nghị (buôn Ea Mar, xã Krông Na) và nhiều hộ dân trong buôn nhận 3.700 cây giống, nhưng chưa ai dám xuống giống vì sợ cây không sống nổi.
Bà Lương Thị Thông bên số cây giống đang phải... chăm sóc lại.
Bà Lương Thị Thông bên số cây giống đang phải... chăm sóc lại.

Được biết, số cây giống trên được Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn mua từ cơ sở sản xuất - kinh doanh cây ăn quả Mười Sơn (ấp Sơn Long, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về cấp phát cho nông dân (trong khuôn khổ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh về phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh). Cũng theo bà Nghị, bình thường để trồng thành công một cây ca cao, tổng chi phí hết 12 nghìn đồng, nhưng nếu nhận giống về rồi phải chăm sóc lại như trên thì không chỉ tốn chi phí chăm sóc, đất đai bỏ trống mà còn bị trễ thời vụ xuống giống, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng về lâu dài. Bên cạnh thiệt hại của nông dân, việc cây giống mang về không phát huy hiệu quả còn gây thiệt hại không nhỏ đến ngân sách Nhà nước. Theo bảng phân khai kinh phí hỗ trợ phát triển cây ca cao năm 2014 của UBND tỉnh, huyện Buôn Đôn được hỗ trợ cây giống cho 39 ha, với số tiền 146 triệu đồng. Nếu số cây giống đưa về không trồng được thì rõ ràng số tiền hỗ trợ trên trở nên lãng phí. Chưa kể, nếu cứ cái đà hỗ trợ giống kém chất lượng như vậy, người dân sẽ dần mất niềm tin đối với cơ quan chức năng địa phương.

 Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.