"Đau đầu" với vấn nạn hàng giả!
Dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại, gây thiệt hại về kinh tế không chỉ với nhà sản xuất chân chính mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng (NTD).
Công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi
Trên thực tế, nhiều mặt hàng đều có thể bị làm giả, từ thực phẩm, bánh kẹo đến quần áo, mắt kính, mỹ phẩm, giày dép, phân bón, mũ bảo hiểm, hàng điện tử… Hầu hết chúng đều được nhập theo đường tiểu ngạch, có mẫu mã giống với các thương hiệu uy tín, do đó, người mua rất dễ bị mắc lừa nếu không tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm.
Ông Giao Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, ngoài việc giả logo, nhãn mác, bao bì được làm tương tự hàng chính hãng, các đối tượng sản xuất hàng giả còn dùng cả “chiêu” dán tem giả vào hàng hóa giả, hàng trốn thuế… để đánh lừa NTD, thu lợi nhuận bất chính, nhất là rượu “nhập ngoại” là mặt hàng được dán tem giả nhiều nhất, khiến lực lượng QLTT, nếu không có máy móc, mẫu hàng thật để đối chứng, và các biện pháp nghiệp vụ thì rất khó phát hiện.
Theo Chi cục QLTT tỉnh, thời gian qua, tình hình buôn lậu, hàng giả, nhái vẫn hết sức phức tạp, chỉ riêng 9 tháng năm 2014, lực lượng này đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 150 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, tiến hành xử phạt trên 435 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định, đây là số vụ kiểm tra, phát hiện còn ít so với diễn biến thị trường, nhiều mặt hàng làm giả rất tinh vi, khó phân biệt bằng cảm quan.
Số hàng hóa, linh kiện, thiết bị điện tử được xác định là hàng giả, bị phát hiện và tịch thu tại Chi cục. |
Có nhiều nguyên nhân để hàng giả, nhái, vi phạm về sở hữu trí tuệ tồn tại tràn lan trên thị trường, trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) với nhau, khiến hàng hóa bị làm giả để phân khúc đối tượng tiêu dùng; hàng giả, nhái thường núp dưới bóng những thương hiệu có tên tuổi và rẻ hơn hàng thật nhiều lần để đánh vào tâm lý ham của rẻ của một bộ phận NTD; bản thân nhiều người thích xài hàng giả, nhái gắn mác thương hiệu cao cấp, đặc biệt là quần áo, mắt kính.
Doanh nghiệp cần quyết liệt hơn
Không thể phủ nhận rằng, để có chỗ đứng nhất định cho sản phẩm của mình trên thị trường, nhà sản xuất đã phải dày công đầu tư công sức, tốn nhiều tiền của để xây dựng thương hiệu nên nạn hàng giả, nhái lưu thông trên thị trường đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và sự sống còn của DN làm ăn chân chính, còn NTD cũng bị vạ lây vì luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe. Đại diện Công ty thời trang Nón Sơn cho hay, đơn vị đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để làm ra mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng phục vụ NTD, thế nhưng, không lâu sau đó, thị trường xuất hiện Nón Sơn chất lượng kém, và có giá rẻ hơn gần gấp 10 lần sản phẩm thật. NTD ham rẻ và không tìm hiểu kỹ thông tin nên bị lừa. Để đối phó với tình trạng trên, một mặt Công ty liên tục cung cấp thông tin để NTD phân biệt hàng thật, giả, mặt khác đơn vị đã nhiều lần chủ động phối hợp với lực lượng QLTT tỉnh để “dẹp” tận gốc các cơ sở sản xuất hàng giả lẫn cửa hàng, đại lý, đặc biệt là tại TP. Buôn Ma Thuột bày bán sản phẩm giả thương hiệu này.
Tuy nhiên, số DN chủ động thông tin đến NTD về việc hàng hóa đơn vị sản xuất ra đang bị kẻ gian làm giả, hoặc chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để truy quét sản phẩm kém chất lượng như Công ty thời trang Nón Sơn nói trên không nhiều. Chính việc DN cố tình “che giấu” thông tin khiến nạn hàng giả ngày càng tung hoành ráo riết trên thị trường. Đơn cử, cách đây không lâu, sản phẩm của một hãng sơn, bột trét tường có thương hiệu uy tín bị làm giả, DN này đã chủ động phối hợp với lực lượng QLTT tỉnh để cùng vào cuộc kiểm tra, kiểm soát, song điều đáng nói là mặc dù biết chính xác những cơ sở sản xuất, bày bán hàng giả thương hiệu mình, nhưng DN này lại cố tình che giấu thông tin vì sợ nếu lộ ra ngoài, NTD sẽ hoang mang, không dám mua sản phẩm (thật) của mình... Nói về vấn đề này, một cán bộ Chi cục QLTT khẳng định, về lâu dài, nếu DN này không minh bạch thông tin, không quyết liệt đấu tranh với bọn làm hàng giả của chính thương hiệu mình thì sẽ vô tình tạo cho hàng giả ngày càng lấn áp hàng thật (vì giá rẻ hơn mà NTD thì không phân biệt được thật, giả!), nhưng quan trong hơn, uy tín DN cũng sẽ giảm kéo theo thương hiệu bị mất, NTD quay lưng với sản phẩm…
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng “cuộc chiến” chống hàng giả cũng lắm gian nan đối với lực lượng chức năng, trong đó, việc chưa có thiết bị hỗ trợ để kiểm tra tại chỗ chất lượng hàng hóa, không có mẫu hàng thật để đối chứng với hàng giả cũng là một trở ngại không nhỏ; bên cạnh đó, việc xác định chính xác đó là hàng thật hay giả cũng cần có thời gian gửi mẫu đi phân tích. Cũng theo ông Tùng, sự phối hợp chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ giữa các nhà sản xuất với lực lượng chức năng đôi lúc chưa kịp thời, đồng bộ khiến cho kẻ gian có cơ hội thu lợi nhuận bất chính. Do đó, để từng bước dẹp nạn hàng giả, nhái lưu thông trên thị trường, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay của DN, về phía NTD, đừng dễ dãi khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc