Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột

08:59, 18/11/2014
Dự án đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột được khởi công xây dựng từ tháng 11-2009, do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 687 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Công trình có tổng chiều dài gần 14 km, rộng 36 mét, điểm đầu tại nút giao CTCP bia Sài Gòn – miền Trung, điểm cuối tại Đài Phát sóng phát thanh Dak Lak (Quốc lộ 14).

Dự án được chia thành 7 gói thầu xây lắp, trong đó đã thảm bê tông nhựa một số đoạn thuộc gói 1, 2, 3, 4. Riêng gói thầu số 4 gồm cầu bê tông cốt thép dự ứng lực đã thi công xong, hiện nhà thầu đang tiếp tục hoàn thiện gia cố mái taluy đường 2 đầu cầu và đắp đất vỉa hè; gói thầu số 5 đang tiến hành xét thầu; gói số 6 và 7 gồm các hạng mục vỉa hè, cây xanh, dự kiến cắt giảm đầu tư và sẽ triển khai sau năm 2015 khi cân đối được nguồn vốn. Công trình đi qua địa bàn của 7 phường, 1 xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột gồm: Tân An, Tân Lợi, Thành Nhất, Tân Tiến, Tân Thành, Ea Tam, Khánh Xuân và xã Cư Êbur; tổng diện tích đất bị thu hồi 423.800 m2, riêng đất nông nghiệp chiếm gần 319.000 m2, đất của các tổ chức 68.000 m2 và đất ở gần 37.000 m2; toàn tuyến có 697 hộ ảnh hưởng, 147 ngôi mộ và 5 tổ chức. Theo kế hoạch đề ra, đến 31-12-2013, công tác GPMB của dự án phải hoàn tất, tuy nhiên đến hết tháng 10-2014, công tác này mới hoàn thành đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình. Theo báo cáo của UBND TP. Buôn Ma Thuột, tính đến cuối tháng 9-2014, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án đã chấp hành đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ không không chịu nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng ở các gói thầu 1, 2, 3, 4, buộc đơn vị phải có văn bản về biện pháp cưỡng chế.

Thi công đường vành đai phía Tây, đoạn qua xã Cư Êbur.
Thi công đường vành đai phía Tây, đoạn qua xã Cư Êbur.

Mặc dù công tác GPMB của dự án đã cơ bản hoàn thành, song qua thực tiễn triển khai công việc này cho thấy vẫn tồn tại một số bất cập. Đơn cử như chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều quy định chưa cụ thể, chưa sát với giá thực tế như giá bồi thường về đất, tài sản trên đất quá thấp so với giá thị trường. Trong khi đó, quỹ đất bố trí tái định cư chưa được chuẩn bị sẵn nên việc bố trí đất cho người dân hết sức bị động, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB… Cụ thể, về việc áp dụng giá bồi thường một số vị trí trên tuyến như đoạn giao với Tỉnh lộ 5, đường Y Moan, đường A, B, C thuộc xã Cư Êbur áp dụng mức bồi thường quá thấp… dẫn đến người dân có kiến nghị, khiếu nại. Qua kiểm tra đơn thư khiếu nại của người dân, Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột (đơn vị trực tiếp làm công tác bồi thường, đền bù GPMB dự án) nhận thấy hoàn toàn có cơ sở nên đã tham mưu với UBND thành phố khảo sát xác định lại giá đất, điều chỉnh mức giá phù hợp, bảo đảm công bằng cho dân. Thêm vào đó, việc định giá và tuổi cây trồng trên đất vẫn còn nhiều thiếu sót, thực tế công tác kiểm đếm cây trồng trên đất được thực hiện từ năm 2009, nhưng đến năm 2013 mới được phê duyệt phương án bồi thường và chi trả, nhưng khi xem xét giá bồi thường, các ngành chức năng chỉ xem xét đối với các loại cây trồng đang được chăm sóc, còn cây trồng ngừng chăm sóc từ 2009 thì không được giải quyết. Bất cập thể hiện rõ ở đây là các hộ chấp hành chủ trương ngừng chăm sóc cây và bàn giao mặt bằng ngay từ đầu thì không được xem xét, dẫn đến khiếu kiện kéo dài do đền bù không công bằng.

Theo báo cáo của Trung tâm, trong quá trình triển khai thực hiện công tác GPMB đã có tới 360 đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác GPMB dự án, đến nay cơ quan chức năng đã giải quyết 324 trường hợp, còn 18 vụ đang kiểm tra hồ sơ và thu thập thông tin liên quan chờ giải quyết.

 Ông Lê Đức Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết, Dự án đường vành đai phía Tây thành phố là dự án mang tầm Quốc gia, quy mô đầu tư lớn, công trình hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Do đó, ngay từ đầu, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh và người dân địa phương đều nắm rõ chủ trương, ý thức chấp hành tốt, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ thực hiện việc kiểm kê tài sản. Cùng với đó là sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành của tỉnh và thành phố, đã tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, nhất là ưu tiên nguồn vốn và các chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư phục vụ công tác GPMB. Tuy nhiên, để công tác này không bị chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, mong các ngành chức năng phối hợp nhịp nhàng, áp giá đền bù sát với thực tế, bảo đảm quyền lợi người dân và tránh điều chỉnh lại nhiều lần.

Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho biết, tổng kinh phí GPMB công trình đường vành đai phía Tây được phê duyệt 282,4 tỷ đồng, trong đó, tiền bồi thường, hỗ trợ trên 274,6 tỷ; kinh phí đo đạc, lập bản đồ hành chính gần 1,3 tỷ; di dời hạ tầng hơn 6,4 tỷ; đến nay đã giải ngân được 272,8 tỷ đồng.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​