Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế

09:26, 19/11/2014
Trong những năm qua, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh ta liên tục hụt thu so với dự toán được giao (dự toán do Bộ Tài chính, HĐND và UBND tỉnh giao hằng năm), ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách cân đối vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND cũng như UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng thu quyết liệt, kể cả việc huy động hệ thống chính trị vào cuộc trong cuộc chiến chống thất thu NSNN thời gian qua. Tuy nhiên, thất thu và nợ đọng vẫn không ngừng gia tăng cả về quy mô và tính chất khiến cho số thu NSNN liên tục không đạt kế hoạch đề ra. Để khắc phục tình trạng thất thu thuế và đẩy lùi nợ đọng đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách hiện nay, thiết nghĩ ngành Thuế tỉnh cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý thu NSNN từ thuế, phí và lệ phí, trong đó công cụ thanh tra, kiểm tra thuế phải được sử dụng một cách hiệu lực, hiệu quả đúng tinh thần của Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung năm 2013. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế xin được đề xuất một số giải pháp sau:

Trước hết cần tập trung nâng cao chất lượng thanh tra, chuyên môn hóa bộ máy và cân đối nguồn lực thanh tra thuế theo đúng tinh thần của Luật Quản lý thuế và Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 732/QĐ-TTg, ngày 17-5-2011. Để chất lượng của thanh tra, kiểm tra thuế đạt được yêu cầu thì đòi hỏi Cơ quan Thuế phải trang bị cho mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế kiến thức tổng hợp và các kỹ năng tác nghiệp cần thiết cũng như đòi hỏi họ phải nắm vững quy trình nghiệp vụ, tinh thông pháp luật thuế, am hiểu về các ngành nghề sản xuất kinh doanh, có kiến thức tin học ứng dụng và nắm bắt kịp thời kiến thức pháp luật liên quan…

Tiếp đến cần quán triệt cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế phải tuyệt đối tuân thủ Quy trình thanh tra thuế và Quy trình kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế. Việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ không những sẽ giúp cho các cấp quản lý của Cơ quan Thuế và người ra quyết định quản lý sát sao được hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế mà còn giúp cho mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không bị đi chệch “đường ray” trong quá trình thanh, kiểm.

Về tình trạng chồng chéo trong việc lập và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm giữa Cơ quan Thuế các cấp (Cục và Chi cục), giữa Cơ quan Thuế với các cơ quan chức năng khác như Thanh tra nhà nước, Thanh tra tài chính, Thanh tra liên ngành; Thanh tra chuyên đề của Chính quyền các cấp; Kiểm toán Nhà nước… cũng cần được hạn chế để không gây phiền hà, ảnh hưởng đến người nộp thuế (NNT).

Cần chú trọng công tác phân tích rủi ro và tăng cường quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật thuế của NNT tại trụ sở Cơ quan Thuế theo đúng quy định. Trên cơ sở đó trích lọc danh sách NNT có rủi ro cao về thuế để quyết định tiến hành thanh tra toàn diện hay thanh tra theo yếu tố hẹp. Kết thúc mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra cần có đánh giá, tổng kết và đúc rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó cần tăng cường dự báo số thu trong thanh tra, kiểm tra thuế. Đi đôi với dự báo số thu, là dự tính được mức chi phí sẽ chi ra để tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, từ đó xác định tính hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế. Công tác cảnh báo, ngăn ngừa từ xa các hành vi vi phạm sẽ giúp cho việc thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đạt hiệu quả, giúp Cơ quan Thuế chủ động trong phòng chống, phát hiện nhanh các hành vi gian lận, trốn thuế. Mặt khác, việc cảnh báo ngăn ngừa từ xa các vi phạm sẽ giúp NNT chủ động tránh các vi phạm khi đã được cảnh báo các thiệt hại có thể xảy ra khi không tuân thủ pháp luật thuế, nhờ vậy mà hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế sẽ được cải thiện và nâng lên rõ rệt; đồng thời giúp NNT tuân thủ nghĩa vụ thuế tốt hơn.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở Cơ quan Thuế: Việc áp dụng hình thức thanh tra, kiểm tra tại trụ sở Cơ quan Thuế có nhiều ưu điểm như: Ít tốn kém nhân lực hơn; tra cứu thông tin để phục vụ cho công tác chuyên môn được kịp thời; tạo tâm lý tốt cho NNT khi đến làm việc; tránh những khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi tiếp đón đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc, đồng thời không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của NNT.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, theo đó Cơ quan Thuế nên tập trung vào các ngành, lĩnh vực khai thác nguồn thu cao hiện nay như: dược phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ quảng cáo trên truyền hình, kinh doanh vàng bạc, bất động sản, điện lực, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản, kinh doanh trực tuyến, trò chơi điện tử, kinh doanh thiết bị y tế, bệnh viện, trường học… Việc chuyển hướng sang thanh tra chuyên đề sẽ giúp cho Cơ quan Thuế đạt hiệu quả cao, giảm thiểu chi phí và thủ tục hành chính cho NNT nhưng vẫn tăng thu lớn cho NSNN.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế: Ngành Thuế cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển các ứng dụng tin học, tạo điều kiện cho cán bộ thanh tra, kiểm tra có thể khai thác thông tin về NNT một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Hiện nay phần lớn doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hạch toán kế toán, nếu các doanh nghiệp này cố tình gian lận thì để đối phó, bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế cần phải biên chế một số chuyên gia tin học giỏi, chuyên thanh tra trên phần mềm để có thể hỗ trợ thanh tra, kiểm tra các loại hình doanh nghiệp này…

 Ths. Đăng Thủy

(Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII)


Ý kiến bạn đọc