Hướng phát triển bền vững cho trái cây Dak Lak
Từ chỗ trồng cây ăn trái chủ yếu để che bóng, chắn gió cho vườn cà phê, đến nay nhiều vùng trong tỉnh người dân đã biết chuyển sang trồng các loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Khơi dậy tiềm năng
Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương đã trồng xen hoặc chuyển đổi vườn tạp, vườn cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao như bơ sáp, sầu riêng cơm vàng hạt lép, chôm chôm... theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó phải kể đến huyện Krông Pak, trồng nhiều loại cây ăn trái cho giá trị cao như sầu riêng, bơ, mít, vải… Đặc biệt, cây sầu riêng được trồng nhiều ở 2 xã Ea Kênh và Ea Yông, chủ yếu là trồng xen trong các vườn cà phê, với diện tích khoảng 500 ha, năng suất bình quân khoảng 15 tấn/ha, với mức thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/ha, đã mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp huyện. Riêng xã Ea Yông, hiện có trên 250 ha sầu riêng Dona trồng xen trong vườn cà phê già cỗi, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhất là giống sầu riêng Dona-SR1 có trọng lượng 3-8 kg/quả, vỏ da xanh, cơm vàng hạt lép, tỷ lệ cơm đạt 36 đến 40%, lại thu trái vụ nên được khách hàng rất ưa chuộng. Theo ông Đoàn Doãn Toản, Phó phòng NN-PTNT huyện, cây cà phê ưa bóng mát, còn cây sầu riêng lại hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây nên khi trồng xen vẫn không làm ảnh hưởng đến nhau mà còn giúp quản lý được dịch hại tổng hợp, chống thoái hóa đất. Ông Trần Doãn Tiến ở thôn 19-5 cho biết, với 143 cây sầu riêng Dona trồng xen, vụ vừa rồi gia đình thu về hơn 10 tấn quả, dù năm nay mất mùa hơn năm ngoái, nhưng nhờ giá sầu riêng ổn định nên sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 140 triệu đồng. Theo Phòng NN-PTNT huyện, ngoài sầu riêng thì một số trái cây như vải, bơ, mít… cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, như cây vải trồng ở thị trấn Phước An có khoảng 9 ha, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha; một số hộ dân tại xã Ea Kly và Ea Kuăng cũng đang trồng vải rất có hiệu quả vì cây vải ở Dak Lak thường cho thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng so với vụ vải ở phía Bắc nên giá bán đầu vụ luôn cao hơn.
Bơ trái vụ được trồng ở huyện Cư M’gar đem lại thu nhập cao cho nông dân. |
Bên cạnh các loại trái cây trên, thương hiệu bơ sáp Dakado của Dak Lak cũng được nhiều người dân trong nước ưa chuộng, trở thành sản phẩm đặc sản của tỉnh. Hằng năm, các doanh nghiệp cũng đã xuất hàng trăm tấn bơ quả bán ra các tỉnh thành, góp phần tăng thu nhập cho người trồng bơ. Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã xác định bơ là cây hàng hóa nên lập trang trại trồng thuần cây bơ hoặc trồng xen trong các vườn cà phê, mỗi vụ cho thu nhập thêm từ 70 - 100 triệu đồng từ bơ trên mỗi héc-ta cà phê.
Cần xây dựng mô hình liên kết
Hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 8.000 ha cây ăn trái các loại, được trồng nhiều ở các huyện: Krông Pak, Ea Kar, Buôn Hồ, Krông Năng… Đặc biệt, các loại cây ăn quả chất lượng cao được đưa vào trồng ở Dak Lak thường cho quả sớm hoặc chậm hơn từ 1 đến 2 tháng so với các tỉnh Nam bộ và phía Bắc, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, thậm chí có một số cây cho quả còn ngon hơn, nên thường có lợi thế về giá bán mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân. Đơn cử như sầu riêng, trong khi các tỉnh khác hết mùa, thì Dak Lak mới cho thu hoạch nên trở thành hàng độc quyền tại các tỉnh phía Nam. Theo ông Lý Ký Sương - một lái buôn ở miền Đông Nam Bộ, thường đến xã Ea Yông (huyện Krông Pak) mua hàng về bán, sầu riêng trồng ở Dak Lak quả to hơn các tỉnh miền Tây, chất lượng múi thơm ngon nên rất dễ tiêu thụ, vì vậy ngay đầu vụ ông đã ký mua với giá 17.000/kg của 30 hộ dân, với khoảng 300 tấn quả.
Sầu riêng ở Dak Lak được thương lái thu mua vận chuyển về các tỉnh phía nam. |
Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng việc phát triển cây ăn trái vẫn còn mang tính tự phát, chưa bền vững. Ngoài sản phẩm bơ xây dựng được thương hiệu, thành lập được liên minh sản xuất và một số hợp tác xã thì các loại cây ăn trái khác vẫn còn mang tính chất nông hộ là chính. Đầu ra của sản phẩm chủ yếu bán trực tiếp cho thương lái nên giá cả không ổn định, hay bị thương lái ép giá, đó là chưa kể sầu riêng Dak Lak bị thương lái dán nhãn sầu riêng miền Tây hay của vùng khác có tiếng để bán cho người tiêu dùng với giá cao. Do đó, bà con nông dân đang mong muốn có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm tạo một thị trường tiêu thụ ổn định, xây dựng hợp tác xã giúp định hình và phát triển thương hiệu sầu riêng ở Dak Lak. Theo Sở NN-PTNT, tỉnh cũng đã có quy hoạch phát triển cây ăn trái, trong đó chú trọng đến vấn đề liên kết 4 nhà để hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu để phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, nông dân cũng không nên phát triển ồ ạt các loại cây ăn trái, nhất là ở những vùng đất không phù hợp để tránh cung vượt cầu, đồng thời quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc cây giống, tránh mua những loại giống trôi nổi kém chất lượng làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc