Multimedia Đọc Báo in

Thị trường nhà đất: Bất động sản TP. Buôn Ma Thuột "nghiêng" về phía Bắc

10:51, 03/11/2014

Chịu tác động chung của thị trường bất động sản trong nước, bất động sản Dak Lak thời gian gần đây đang trong giai đoạn đóng băng, thiếu vắng người mua. Một số đơn vị, trường học mới xây dựng khu vực phía Bắc thành phố tạo một luồng gió mới ở khu vực này.

Ế vì “hét” giá cao

Trong vai người đi mua đất, chúng tôi tìm đến các tuyến đường Mai Thị Lựu, Y Ngông, Y Moan, Trần Quý Cáp… (TP. Buôn Ma Thuột), đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh rao bán đất, bán nhà. Bà Trâm, đường Phan Đình Phùng cho biết, gia đình có lô đất trong hẻm đường Mai Thị Lựu, rao bán hơn tháng nay với giá 170 triệu đồng/lô 6x20. Đất bằng, đẹp, nhiều người hỏi nhưng rất ít người mua. Tương tự, ông Nguyễn Văn Trường, đường Nguyễn Chí Thanh có căn nhà cấp 4 mặt tiền đường Trần Quý Cáp trên đất thổ cư có diện tích 320 m2, giá 1 tỷ đồng, treo biển bán hơn ba tháng nay nhưng vẫn chưa bán được. Khách hỏi mua nhiều nhưng cũng chỉ hỏi để cho biết mà thôi. Nếu cứ đà này, ông đành phải bán rẻ đất rẫy, chuyển lên phố ở để có tiền chi vào việc mình cần. Không chỉ rao bán trên các tuyến đường, hè phố, đất được rao bán khắp các trang web như mạng xã hội Facebook, bmt7, batdongsandaklak… Anh Đặng Văn Hiệp xã Cư Êbur cho biết, anh có lô đất 30x40 m, hai mặt tiền rao bán trên mạng xã hội với giá 230 triệu đồng mấy tháng nay nhưng đến giờ vẫn chưa có người mua. Số lượng người hỏi cũng ít, đa số họ tìm hiểu để nắm tình hình thị trường. Theo khảo sát, việc rao bán đất trên các trang mạng rất đơn giản, người bán chỉ cần cung cấp một số thông tin: kích thước, địa chỉ, giá tiền, số điện thoại liên hệ… còn người mua thì liên hệ với người bán bằng điện thoại, sau đó lên xem nhà, xem đất…

Một khu căn hộ cao cấp trên đường  Hùng Vương  (TP. Buôn Ma Thuột).
Một khu căn hộ cao cấp trên đường Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột).

Không chỉ đất, nhà mà các căn hộ chung cư cũng đang trong tình trạng ế ẩm, xây xong bỏ trống hoặc cho thuê theo tháng. Anh Hổ, nhân viên kinh doanh tại một căn hộ cao cấp trên đường Hùng Vương cho biết, tùy vào diện tích (76 m2 hay 100 m2), độ cao mà giá mỗi căn hộ khác nhau. Mức giá thấp nhất ở tầng 2, căn 76 m2 là 642 triệu đồng, mức cao nhất căn 110m2, tầng thứ 18 là 994 triệu đồng. Khu chung cư đã đưa vào sử dụng 3 năm nay nhưng đến nay vẫn còn gần một nửa chưa có chủ.

Theo thông tin từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, sở dĩ giá nhà, đất thời gian gần đây trầm lắng, người bán nhiều, người mua ít do các chủ bất động sản tự đội giá lên cao với tâm lý người mua trả xuống là vừa. Đồng thời tình trạng đầu cơ tràn lan khiến thị trường bất động sản bị bóp méo, hoạt động không đúng theo quy luật cung cầu.

Sôi động thị trường phía Bắc

So với các khu vực Đông, Tây, Nam thì giá các lô đất tương ứng ở khu vực phía Bắc cao hơn từ 2-3 triệu đồng/m2, các chủ đất cũng “điềm đạm” trong cách chào bán hơn. Anh Trần Văn Sâm, đường Y Moan cho biết, anh có 5 lô đất nông nghiệp có diện tích 125m2/lô cuối hẻm 126 Y Moan để bán cho người thực sự có nhu cầu mua đất, cất nhà nên không treo biển bán đất. Cách đây 2 năm, giá đất tại đây là 270 triệu đồng/lô, anh đã bán được 10 lô, nay theo thị trường giá đất tăng lên trên 300 triệu đồng/lô. Đất do bố mẹ để lại, hiện đang trồng măng, chôm chôm… thu về khoảng 2 triệu đồng/tháng, nếu được giá thì đầu tư thêm mua đất ở khu vực đường vành đai phía Tây thành phố. Tương tự, anh Nguyễn Đức Phong cũng có lô đất thổ cư 155m2, cách đường Y Moan 500m, rao bán với giá 1,3 tỷ đồng. Anh cho biết, đất thổ cư mới làm bìa đỏ chính chủ, đã có người trả với giá 1,15 tỷ đồng nhưng anh vẫn chưa bán. Dịp này, nếu chưa được giá thì có thể cầm sổ đỏ, vay ngân hàng để xoay tiền, chờ vài năm nữa đất sẽ có giá hơn. Anh Ngô Xuân Hòa, đường Mai Hắc Đế cho biết, anh có lô đất 100m2 tại xã Hòa Đông (TP. Buôn Ma Thuột) nhưng vợ làm ở Trường THPT chuyên Nguyễn Du, nếu xây nhà quá vất vả cho việc đi lại nên anh đang tìm mua đất khu vực phía Bắc thành phố. Tuy giá hơi cao nhưng nhà gần cơ quan, trường học rất thuận lợi cho cả hai vợ chồng. 

Một điểm rao sang nhượng đất trên đường Mai Thị Lựu, TP. Buôn Ma Thuột.
Một điểm rao sang nhượng đất trên đường Mai Thị Lựu, TP. Buôn Ma Thuột.

Phần lớn người có nhu cầu mua bất động sản thực sự chủ yếu là công nhân, nhân viên, các bạn trẻ ở lứa tuổi lập gia đình… cuộc sống còn nhiều chật vật, không ít người vì muốn mua mảnh đất ưng ý, gần đường, trường… mà không có tiền xây nhà, hoặc xây nhà xong nguy cơ vỡ nợ cao. Anh Nguyễn Văn Tâm, chủ một đơn vị tư vấn, mua bán bất động sản trên đường Y Moan chia sẻ, giá bất động sản chỉ có tăng, không giảm, do vậy, khách hàng không có nhiều tiền, thu nhập thấp nhưng muốn mua được đất ở, không gắn liền với mục đích kinh doanh trong tương lai thì nên tìm mua những lô đất nằm sâu trong hẻm, tuy xa nhưng đất đó được mua bán ngang bằng với giá trị thực của nó. Không đủ tiền xây nhà lớn thì làm từng bước một, xây công trình phụ, nhà bếp, thêm 1 phòng ngủ để tiết kiệm tiền thuê trọ và các chi phí phát sinh khác, khi có điều kiện thì mở rộng thêm…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.