Multimedia Đọc Báo in

Trở thành tỷ phú nhờ nuôi chim công

14:35, 14/11/2014
Năm 1987, anh Trần Văn Phương từ tỉnh Thái Bình vào Dak Lak lập nghiệp tại tổ dân phố 6, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột với đủ nghề, từ đi rừng, trồng đậu, trồng cà phê… nhưng cuộc sống vẫn chật vật, thiếu thốn.
 
Năm 2010, tình cờ anh mua được 4 quả trứng công với giá 4 triệu đồng của một người dân nhặt được khi đi làm rẫy, mang về nhà cho gà ấp nở ra 4 con công khá đẹp. Mặc dù rất thích giữ lại nuôi, nhưng anh đành phải bán cho một người quen ở TP. Hồ Chí Minh, do chưa biết chút gì về kỹ thuật nuôi loài chim này. Sau khi bán công, anh cảm thấy rất tiếc nên đã dành thời gian để tìm hiểu về loài vật này. Vào năm 2012, nhờ người quen giới thiệu anh lặn lội xuống trang trại Thanh Phong ở tỉnh Tiền Giang mua 4 con công giống với giá 13 triệu đồng/con. Với bản tính cần cù, siêng năng cộng việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi đúng cách nên từ số công giống này, giờ đây đàn công của anh Phương sinh sôi lên đến cả trăm con.
Thu nhập  từ  nuôi công mang lại cho gia đình anh Phương hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thu nhập từ nuôi công mang lại cho gia đình anh Phương hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nói đến công việc chăn nuôi công, anh Phương chia sẻ: “Thực ra, nuôi công còn đơn giản hơn nuôi gà. Vốn là loài có nguồn gốc hoang dã nên chim công có sức đề kháng khá tốt, lại không dị ứng với cách nuôi nhốt”. Phía sau nhà, anh Phương dành hẳn một ô đất trống khoảng 20 m2 nuôi hơn 10 con công lớn nhỏ. Số công này anh nuôi để khách tới mua cho tiện. Số lượng công chủ yếu của gia đình anh được nuôi ở trang trại tại huyện Cư M’gar với gần 200 con. Anh cho biết, nuôi loại này thì chi phí làm chuồng trại không tốn kém là bao, tiền chi phí thức ăn cũng thấp, bởi ngoài thóc, bắp, cám công nghiệp thì công đặc biệt thích ăn các loại thân thảo như cây họ đậu, rau dại, rau muống. Một ngày anh cho công ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn tinh bột, chiều anh cho công ăn các lại rau đã rửa sạch và phơi héo.

Theo anh Phương, cách vệ sinh phòng bệnh cho công chính là bí quyết khiến anh thành công với vật nuôi này. Cùng với việc tiêm phòng cho công như gia cầm, anh thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học đặc biệt (men vi sinh) rải khắp chuồng trại để phân giải chất thải, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch, giúp chim công phát triển nhanh, rất ít bị bệnh đường ruột và hô hấp. Công chỉ đẻ vào cuối mùa xuân cho tới hết mùa hè, mỗi năm công mái đẻ khoảng 30 đến 36 trứng. Ban đầu khi công giống đẻ trứng, anh Phương cho gà ấp trứng nhưng tỷ lệ nở không cao nên anh đã sử dụng lò điện để ấp và tìm ra công thức duy trì nhiệt độ thích hợp để trứng nở với tỷ lệ hơn 90%. Thường thì mỗi con công sau vài tháng tuổi nặng chừng 2 kg, được bán với giá khoảng 3 triệu đồng. Nếu nuôi khoảng 2 năm, công trưởng thành nặng khoảng 6-7 kg, có thể làm giống thì giá lên tới 10 triệu đồng/con. Hiện mỗi năm gia đình anh Phương bán khoảng 100 con công lớn nhỏ, thu về hơn 700 triệu đồng. Khách hàng tiêu thụ công của anh chủ yếu là các vườn thú, các đại gia, những gia đình khá giả trong và ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Bình Định… mua để nuôi làm cảnh, cũng có người mua làm thực phẩm theo truyền thuyết “nem công chả phượng”.                                                         

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.