Mối quan hệ giữa GDP và thu ngân sách nhà nước từ thuế
Kinh tế học đã chỉ ra rằng thu từ thuế luôn gắn chặt với thực trạng kinh tế và sự vận động của các yếu tố kinh tế vĩ mô như giá cả, thu nhập, đầu tư, lãi suất, tiêu dùng, nhập khẩu, xuất khẩu, chi tiêu công. Chỉ tiêu quan trọng biểu hiện thực trạng của nền kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến quy mô và mức độ động viên của thuế chính là GDP. GDP và số thu từ thuế luôn có quan hệ 2 chiều biện chứng với nhau, nghĩa là GDP tăng trưởng thì số thu thuế sẽ tăng lên tỷ lệ tương ứng (ngoại trừ yếu tố như hệ thống thuế kém hiệu quả) và tỷ lệ động viên của thuế ở mức hợp lý thì sẽ góp phần kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu mở rộng từ đó GDP sẽ tăng trưởng theo. Xét về lý thuyết, các nhà kinh tế trường phái trọng cung cho rằng, thuế suất thấp sẽ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất tăng lên. Cắt giảm thuế sẽ tạo động cơ cho các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, trong khi người tiêu dùng sẽ cảm giác mình có nhiều tiền hơn và chi tiêu nhiều hơn, từ đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng cao hơn sẽ kéo theo thu ngân sách của Chính phủ cũng tăng lên dù cho có cắt giảm mạnh thuế suất.
Vì thế để tạo động lực cho GDP tăng trưởng, thời gian qua chính sách thuế tiếp tục được Chính phủ điều chỉnh theo hướng giảm bớt tỷ lệ động viên từ doanh nghiệp và người dân thông qua các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, đối với thuế Thu nhập doanh nghiệp đã giảm mức thuế suất phổ thông từ mức 25% xuống 22% từ ngày 1-1-2014, áp dụng mức thuế suất 20% từ ngày 1-7-2013 đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đối với thuế Thu nhập cá nhân đã nâng mức khởi điểm chịu thuế cho bản thân từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ mức 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thu thuỷ lợi phí. Tuy nhiên, do áp lực chi tiêu công nên Chính phủ luôn phải đảm bảo số thu NSNN từ thuế nên không giảm tỷ lệ động viên vượt qua ngưỡng hợp lý được. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tỷ lệ động viên từ thuế với tăng trưởng GDP hằng năm luôn là bài toán khó đặt ra cho Chính phủ, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Phân tích mối quan hệ hai chiều giữa GDP và số thu thuế như trên đã đưa ra gợi ý cho chính quyền các địa phương rằng ngoài việc Chính phủ thực hiện giải pháp điều chỉnh giảm tỷ lệ động viên từ thuế hợp lý nhằm thúc đẩy GDP tăng trưởng để tăng thu NSNN ổn định, bền vững thì các cấp chính quyền địa phương cũng có thể vận dụng thực hiện các giải pháp hữu hiệu khác, phù hợp với địa phương mình để thúc đẩy GDP tăng trưởng từ đó kéo theo thu NSNN trên địa bàn cũng tăng trưởng ổn định và bền vững.
Ths. Đăng Thủy
(Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII)
Ý kiến bạn đọc