Multimedia Đọc Báo in

Hiệu ứng tích cực từ chính sách tăng vốn vay dài hạn

17:24, 07/12/2014
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 36) theo hướng tăng thêm nguồn vốn cho vay dài hạn. Đây được xem là biện pháp điều hành quan trọng nhằm hướng đến một thị trường ổn định và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Những nội dung đáng chú ý nhất của Thông tư là quy định từ ngày 1-2-2015, ngân hàng chỉ được sử dụng 80% nguồn vốn huy động để cho vay và được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn; bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%, xác xuất rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản là 150% (thay vì 250% như hiện nay)... Thông tư 36 còn hơn 2 tháng nữa mới có hiệu lực, nhưng ngay sau khi ban hành, thị trường đã có những phản ứng khá tích cực, bởi đây là động thái "cởi trói" cho nguồn vốn đang ứ đọng tại các ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Dak Lak, từ đầu năm đến nay, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có mức tăng trưởng cao. Đáng lưu ý là mặc dù huy động vốn có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đạt 11.548 tỷ đồng (tăng 26,3% so với đầu năm), nhưng cũng mới chỉ chiếm 46,7% trong tổng huy động vốn. Do vậy, với việc được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn sẽ bổ sung nguồn vốn đáng kể để các tổ chức tín dụng trên địa bàn có điều kiện mở rộng cho vay các kỳ hạn dài hơn, tạo điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ DN nhưng vẫn bảo đảm an toàn trong hoạt động. Ngoài ra, việc giảm rủi ro cho vay bất động sản từ 250% xuống còn 150%, đồng nghĩa các tổ chức tín dụng được phép cho vay bất động sản nhiều hơn, và đây cũng là một "kênh" quan trọng để nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Với những quy định có phần "thoáng" hơn so với trước đây, các DN sẽ có điều kiện được tiếp cận vốn vay bởi số tiền được phép cho vay (nhất là vốn vay trung, dài hạn) tăng. Theo một đại diện ngân hàng thương mại trên địa bàn, thực tế cho thấy, nguồn vốn huy động tại các ngân hàng đa phần là có kỳ hạn ngắn vì tâm lý của người gửi tiết kiệm là muốn chủ động nguồn tiền của mình. Do vậy, tỷ lệ cho vay dài hạn tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn trước đây thực sự “bó chân” các ngân hàng, khiến họ không thể nào đáp ứng hết nhu cầu về nguồn vốn trung và dài hạn của khách hàng. Thế nên khi nguồn vốn vay trung, dài hạn tăng, DN sẽ hướng đến việc vay vốn mở rộng hoạt động kinh doanh…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.