Rừng cộng đồng ở Krông Bông - nhức nhối chuyện quản lý
Thực hiện giao đất giao rừng cho cộng đồng các thôn, buôn theo Quyết định 178 và 304, từ năm 2000 đến nay, toàn huyện Krông Bông đã giao 9.196 ha rừng cho cộng đồng thôn, buôn quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng rừng bị xâm chiếm trái phép ngày một diễn biến phức tạp….
Rừng suy giảm nghiêm trọng
Năm 2001, buôn Tul được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ trên 1.100 ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo và trung bình tại tiểu khu 1204 và 1205 thuộc địa bàn xã Yang Mao. Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng của buôn quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Về quyền lợi, người trong cộng đồng được khai thác, sử dụng các loại lâm sản phụ; được khai thác gỗ thương mại theo kế hoạch quy định, khai thác gỗ sử dụng vào mục đích làm nhà, sửa chữa nhà ở theo kế hoạch đã được UBND huyện phê duyệt; chăn thả gia súc trong rừng trồng từ 3 năm tuổi trở lên... Còn về nghĩa vụ, trách nhiệm, người trong cộng đồng buôn phải tham gia vào các hoạt động tuần tra, quản lý bảo vệ rừng theo sự phân công của Ban quản lý rừng cộng đồng của buôn, không được khai thác gỗ quý hiếm, chặt phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép và tiếp tay cho lâm tặc. Tuy nhiên, rừng do cộng đồng buôn quản lý liên tục suy giảm qua các năm. Y Thiếp Niê Kdăm, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng buôn Tul cho biết, những năm đầu khi rừng được giao cho cộng đồng buôn quản lý, bảo vệ, bà con trong buôn ý thức rất cao vai trò của mình, tham gia cùng với Ban quản lý thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng theo kế hoạch 1 lần/tháng. Năm 2008, cộng đồng buôn được khai thác gỗ thương mại theo kế hoạch được duyệt, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Nhà nước theo quy định, tiền bán gỗ được chia cho 81 hộ gia đình trong cộng đồng, bình quân 3 triệu đồng/hộ, số tiền còn lại trên 200 triệu đồng được nộp vào quỹ quản lý bảo vệ rừng của buôn. Ngoài việc chi trả cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng cộng đồng đã dùng số tiền này giúp các hộ gia đình trong buôn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước áp lực về đất sản xuất, rừng do buôn quản lý vẫn bị phá, nhiều diện tích đã biến thành rẫy sắn. Chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng con số cũng lên đến hàng trăm héc-ta.
Kiểm tra rừng cộng đồng tại buôn Tul. |
Không riêng gì buôn Tul, đây là thực trạng chung của những cánh rừng đã được giao khoán cho cộng đồng các buôn trên địa bàn huyện Krông Bông. Những năm qua, thực trạng này đã trở thành một trong vấn đề khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với chính quyền địa phương. Theo kết quả kiểm kê mới đây, trong số 9.196 ha rừng được UBND huyện giao khoán cho 11 cộng đồng thôn, buôn với 766 hộ và 37 nhóm với 370 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ, đến nay hơn 6.000 ha rừng gần như bị xóa sổ, trong đó, các xã bị mất nhiều nhất gồm: Yang Mao (2.274 ha), Cư Đrăm (2.228,21 ha), Ea Trul (599 ha)… Lý giải về nguyên nhân mất rừng, chính quyền địa phương nơi đây cũng thừa nhận: một phần do buông lỏng công tác quản lý, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là rừng giao khoán cho cộng đồng phần lớn rừng nghèo, sản phẩm tận thu từ rừng vì vậy mà cũng nghèo nàn, không có gì ngoài củi. Hơn nữa, những hộ gia đình nhận rừng đều là hộ nghèo thuộc diện 132, 134, vốn đã gặp khó khăn trong đời sống sản xuất nên họ càng không đủ khả năng cả về tài chính lẫn nhân lực trong tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng đã nhận. Cho nên, sau gần 14 năm thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, rừng vẫn bị bỏ mặc, bị tàn phá, khai thác trái phép.
Quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều thách thức
Ông Y Te Bkrông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Bông cho biết, thực tế qua nhiều năm thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn buôn, rất ít diện tích rừng được quản lý, bảo vệ hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu, trong quá trình triển khai thực hiện gặp khá nhiều tồn tại, bất cập như: các điều khoản về quyền lợi của các hộ nhận đất nhận rừng chưa phù hợp với thực tế, sản phẩm hưởng lợi từ chưa được tính toán cụ thể, hầu hết các hộ nhận rừng không thể thực hiện các quyền lợi vì chưa có quy định đầy đủ của pháp luật, chưa xác định cụ thể thời điểm được phép khai thác chính cho từng kiểu rừng và từng trạng thái nên các hộ không biết thời gian bao lâu từ lúc nhận rừng thì được khai thác và hưởng lợi sản phẩm khai thác; chu kỳ lâm nghiệp dài... Hơn nữa, trên thực tế rừng giao cho cộng đồng chủ yếu là rừng nghèo, nên gần như người dân không thể hưởng lợi gì từ rừng. Mặt khác, diện tích rừng đất lâm nghiệp giao các cộng đồng dân cư, nhóm hộ và gia đình rất lớn nhưng người dân không thể sử dụng vào mục đích trồng rừng hoặc phát triển nông lâm kết hợp vì thiếu vốn đầu tư... Những bất cập trên dẫn đến tình trạng ngoài diện tích đất trống đã giao cho các hộ dân được canh tác nông nghiệp theo quy định thì tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp diễn ra khá phổ biến, chưa kể áp lực dân di cư tự do trong những năm gần đây. Vì vậy, rừng có chủ mà vẫn như không.
Nhiều diện tích rừng cộng đồng ở xã Yang Mao đã bị xâm canh. |
Quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế rừng vốn đối mặt với nhiều thách thức bởi chu kỳ đầu tư lâu dài. Ông Y Te cũng cho rằng, để những diện tích rừng còn lại được quản lý bảo vệ hiệu quả thì cũng nên xem xét việc giao, khoán cho người dân phải cân đối diện tích phù hợp, phù hợp khả năng quản lý, bảo vệ của hộ gia đình, cộng đồng thôn buôn cũng như chú ý đến chất lượng rừng. Ngoài việc tăng cường biện pháp quản lý, kiên quyết chấm dứt tình trạng giao rừng quản lý, bảo vệ kém hiệu quả kéo dài trong những năm qua; để cộng đồng thôn, buôn thực sự gắn bó với rừng giao khoán, có thể mưu sinh bằng nghề rừng thì cần những chính sách phù hợp, sát thực tế hơn.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc