Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp thuê đất của dân để trồng rừng: Đôi bên cùng có lợi

10:30, 14/01/2015

Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Công ty Lâm nghiệp Krông Bông) đã tiến hành thuê đất trống, đồi trọc của người dân địa phương để trồng rừng nguyên liệu; việc làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và người dân có đất cho thuê.

Công ty Lâm nghiệp Krông Bông được Nhà nước giao quản lý và bảo vệ gần 28,5 nghìn ha rừng, trong đó rừng sản xuất là trên 19,4 nghìn ha, còn lại là rừng phòng hộ. Những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng thì công ty còn tiến hành trồng rừng nguyên liệu nhằm tạo thêm nguồn thu cho đơn vị; tạo thêm công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên viên Công ty và những hộ dân sống gần rừng. Trước đây, công ty thực hiện việc liên kết trồng rừng với các hộ dân địa phương. Nhưng việc liên kết này phát sinh nhiều “rắc rối” cho cả doanh nghiệp lẫn người dân nên từ năm 2009,  Công ty bắt đầu chuyển sang thuê đất của người dân tại địa phương để trồng rừng. Theo đó, Công ty đã thỏa thuận thuê đất trống, đồi trọc của người dân đang bỏ hoang với giá từ 6-10 triệu đồng /ha tùy từng loại đất trong thời gian 10 năm để trồng rừng nguyên liệu. Tính đến nay, Công ty đã thuê được hơn 1.000ha đất của một số hộ dân ở các xã Yang Mao, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Dang Kang ... 

Người dân đang phát dọn thực bì thuê cho Công ty Lâm nghiệp Krông Bông.
Người dân đang phát dọn thực bì thuê cho Công ty Lâm nghiệp Krông Bông.
 
Việc cho doanh nghiệp thuê đất đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Các hộ có đất cho thuê có thêm một khoản tiền kha khá ngay để mua phân bón, vật nuôi hay đầu tư cho con cái ăn học. Công ty cũng tạo việc làm lúc nông nhàn cho các hộ, bằng cách khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên chính diện tích đất mà họ đã cho thuê. Việc trồng cây keo lai có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nên sau 1 hoặc 2 chu kỳ người dân có thể nhận lại đất đã cho thuê để phát triển sản xuất. Gia đình ông Nguyễn Đình Chiến ở  xã Dang Kang (huyện Krông Bông) có hơn 5 ha đất sản xuất, trong đó, 3 ha ta là đất đồi dốc trồng hoa màu nhưng kém hiệu quả. Khi Công ty Lâm nghiệp Krông Bông có chủ trương thuê đất để trồng rừng sản xuất thì gia đình ông đã làm đơn cho thuê lại diện tích đất bạc màu này và được Công ty thanh toán tiền đầy đủ một lần. “Với  30 triệu đồng từ tiền cho công ty thuê đất, tôi đã đầu tư mua phân bón, heo, gà về để chăm bón cây trồng và phát triển chăn nuôi. Sau 2 luân kỳ (10 năm), tôi sẽ nhận lại đất từ công ty để tiếp tục canh tác vì đất đã được cải tạo màu mỡ”, ông Chiến cho biết.
Cán bộ Công ty  Lâm nghiệp Krông Bông hướng dẫn người dân chăm sóc rừng trồng.
Cán bộ Công ty Lâm nghiệp Krông Bông hướng dẫn người dân chăm sóc rừng trồng.

Anh Bùi Văn Hưng, Trưởng phòng Trồng trọt Công ty nhận định: “Diện tích đất bạc màu khi trồng cây keo sẽ góp phần chống xói mòn, cải tạo đất, sau khi hết thời gian cho công ty thuê đất người dân có thể canh tác hoa màu hiệu quả cao hơn trên diện tích đất này. Ngoài ra, một héc-ta rừng trồng nguyên liệu trong một luân kỳ 5 năm (từ khi trồng cho đến khi thu hoạch) cần đến 200 ngày công lao động, do đó với diện tích hơn 1.700ha rừng nguyên liệu của công ty đã tạo ra nhiều việc làm cho nhiều lao động ở địa phương”. Ông Y Bê, Buôn phó buôn Tliêr (xã Hòa Phong) hợp đồng với công ty chăm sóc bảo vệ 301 ha rừng trồng. Với diện tích này, ông thuê lại những người dân trong buôn đi làm. “ Mỗi ngày công lao động bà con được trả từ 110-130 ngàn đồng ngày. Công việc nhận chăm sóc rừng trồng cho Công ty đã tạo thêm việc làm cho bà con trong buôn, góp phần cải thiện cuộc sống” - ông Y Bê phấn khởi khoe.

Theo tính toán của Công ty, sản lượng gỗ của 1ha keo lai sau một chu kỳ kinh doanh (5 năm) từ 120 - 150 m3. Với giá bán ở thời điểm hiện tại khoảng từ 50-55 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng trên 7-10 triệu đồng. Hiện nay, Công ty có hơn 1.700 ha rừng trồng nguyên liệu (gồm thuê của dân 1.000ha và 700ha đất của Công ty) mỗi năm công ty khai thác khoảng được 300 ha rừng, mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng. Ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông khẳng định:  “Thuê đất của người dân để trồng rừng sản xuất là điểm khác biệt so với các công ty lâm nghiệp khác trên địa bàn tỉnh. Việc thuê đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đã nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương và người dân vì nó mang lại lợi ích cho các bên”.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc