Multimedia Đọc Báo in

Công nghiệp Buôn Ma Thuột trên chặng đường phát triển

09:44, 10/03/2015

40 năm sau ngày giải phóng, TP. Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội và đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các đầu mối giao thông, thương mại, công nghiệp, giáo dục, y tế... trong vùng. Những bước đi vững chắc của thành phố năng động này có đóng góp rất lớn của ngành sản xuất công nghiệp (CN), và đây được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong những năm tới.

TP. Buôn Ma Thuột có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất CN, trong đó, một số lĩnh vực nhiều thế mạnh là chế biến nông, lâm sản, cà phê, cơ khí chế tạo… Với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật bước đầu được quan tâm đầu tư, đến nay, địa phương đã thu hút được hàng trăm dự án vào Khu CN Hòa Phú, Cụm CN Tân An 1, 2 và các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm CN. Cụ thể, Khu CN Hòa Phú (diện tích hơn 181ha), hiện đã có 20 dự án đầu tư và 14 dự án đi vào hoạt động, tổng diện tích đất đăng ký thuê khoảng 87,9 ha chiếm 70% diện tích đất xây dựng nhà máy. Cụm CN Tân An 1, 2 (tổng diện tích 104,75 ha) đã có 60 dự án đầu tư, với tổng diện tích đất đăng ký thuê 69,4 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Theo số liệu của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, riêng trong năm 2014, Khu CN Hòa Phú đã thu hút được 13 dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn 283 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong khu CN này ước đạt 1.487 tỷ đồng, tăng hơn 1,7% so với năm 2013. Đáng chú ý, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều nhà máy sản xuất quy mô lớn như: nhà máy bia Sài Gòn, cà phê An Thái, cà phê Trung Nguyên, thép Đông Nam Á…

Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan của Công ty Cà phê An Thái.
Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan của Công ty Cà phê An Thái.

Những năm qua, hoạt động sản xuất CN, TTCN ở TP. Buôn Ma Thuột không những phát triển tập trung tại các khu, cụm CN mà còn được chú trọng tại các xã, phường nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành CN, thương mại và dịch vụ. Nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố, những năm qua, xã Hòa Thuận đã chú trọng phát triển mạnh nghề chế tạo cơ khí, với nhiều sản phẩm đã tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Một trong những cơ sở có quy mô tương đối lớn ở đây là cơ sở Hưng Phát (thôn 6) chuyên chế tạo máy bóc vỏ cà phê tươi, khô (công suất 0,4 – 1,2 tấn cà phê nhân/giờ) và máy suốt tiêu (công suất 0,2 – 1,5 tấn tiêu tươi/giờ). Mỗi năm cơ sở chế tạo khoảng 500 sản phẩm, được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ nhờ ưu điểm gọn nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu và không làm hao hụt sản phẩm. Ông Nguyễn Phụng, chủ cơ sở Hưng Phát cho biết, tại Triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V – năm 2015, cơ sở sẽ trưng bày, giới thiệu với người nông dân các loại sản phẩm của cơ sở đã được cải tiến mẫu mã. Theo ông Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận, nghề chế tạo cơ khí phát triển mạnh ở địa phương trong khoảng hơn 10 năm nay, hiện toàn xã có 20 cơ sở cơ khí quy mô lớn, tạo việc làm cho 250 – 300 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, nghề làm miến gạo lại sôi động ở phường Khánh Xuân. Nghề này xuất hiện từ những năm 1980, do một số người dân từ các tỉnh phía Bắc mang vào, chủ yếu làm thủ công, nhỏ lẻ để sử dụng trong gia đình. Khoảng 10 năm nay, nghề làm miến gạo phát triển mạnh, tập trung tại các tổ dân phố 1, 2 và 5, trong đó, nhiều hộ đã đầu tư máy móc, dây chuyền để sản xuất theo quy mô CN. Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, đặc biệt là không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay chất phụ gia độc hại, nên miến gạo sản xuất ở đây được tiêu thụ mạnh ở TP. Buôn Ma Thuột cũng như các địa phương khác. Anh Nguyễn Văn Loan (tổ dân phố 2) cho biết, trước đây, các công đoạn làm miến như xay, tráng bột, cắt sợi đều làm thủ công, nên khối lượng sản phẩm làm ra rất ít, từ khi đầu tư máy móc thì năng suất đạt 150 – 200 kg/ngày (tăng gấp 10 lần so với trước đây), nhờ đó thu nhập của gia đình cũng tăng lên nhiều. Theo Hội Nông dân phường Khánh Xuân, những năm gần đây, nghề làm miến ở địa phương ngày càng phát triển với khoảng 100 cơ sở sản xuất, tạo nhiều việc làm thường xuyên cho người dân với thu nhập 4 triệu đồng/tháng.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn từ nay đến năm 2020, địa phương phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành CN 14 - 15%/năm, các khu, cụm CN được đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh đạt hơn 550ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 95%, các ngành mũi nhọn được xác định là CN năng lượng, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện tử và điện dân dụng. Bên cạnh đó, sẽ phục hồi và phát triển một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên và đặc trưng riêng của địa phương nhằm phục vụ du lịch và xuất khẩu. Theo đó, thành phố đã đưa ra các giải pháp đồng bộ như: vận dụng cơ chế chính sách của Trung ương và tỉnh trong việc thu hút vốn đầu tư, hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu, cụm CN trên địa bàn, trong đó, xác định Khu CN Hòa Phú là trọng điểm, có quy mô cấp vùng Tây Nguyên. Thu hút đầu tư vào các ngành chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, luyện cán thép, cơ khí, sản xuất bia và nước uống cao cấp... Đặc biệt, tận dụng và phát huy lợi thế đối với ngành CN chế biến cà phê, mủ cao su và các sản phẩm từ cao su, gỗ để xây dựng các thương hiệu có uy tín và chất lượng. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư vào các ngành nghề sử dụng nguyên liệu, lao động địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường...

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.