Multimedia Đọc Báo in

Cư Kuin đẩy mạnh hoạt động khuyến nông

14:21, 09/03/2015

Xác định khuyến nông là lĩnh vực đi đầu, quyết định năng suất, chất lượng nông sản, những năm gần đây, huyện Cư Kuin đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông tới vùng khó khăn, xây dựng các mô hình sản xuất mới góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Từ chăn nuôi heo sạch

Cư Kuin là huyện nghèo, nông dân chủ yếu sản xuất theo mô hình VAC với quy mô nhỏ, tại gia, ngay trong khu dân cư, vì vậy việc xử lý mùi hôi từ chất thải chăn nuôi luôn là vấn đề được các hộ và chính quyền địa phương quan tâm. Đầu năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin đã triển khai thực hiện mô hình nền chuồng chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Bà Phạm Thị Thúy ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp có đàn heo 15 con cho biết, gia đình chăn nuôi heo từ nhiều năm nay, năm 2013 được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông huyện, gia đình đã đầu tư chuồng chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học và sử dụng hiệu quả đến nay. So với các hình thức chăn nuôi truyền thống, đệm lót sinh học tạo được môi trường chăn nuôi sạch, gần như không có nước thải nên giảm thiểu các loại ký sinh trùng gây bệnh như ruồi, muỗi…, heo ít bị bệnh, nhanh lớn, giảm chi phí đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cùng trú thôn Đông Sơn cũng có đàn heo 10 con cho biết, sau khi tham quan một số mô hình của các hộ dân, cuối năm 2014, gia đình đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để xây chuồng heo sử dụng đệm lót sinh học. Tuy vốn đầu tư nhiều hơn do chuồng, phải có không gian rộng để heo vận động, tự đảo chuồng nhưng tiết kiệm được thời gian cho người nuôi. Theo đó, thay vì cho ăn, uống 3 – 4 lần/ngày, tắm rửa 2 lần/ngày thì người chăn nuôi chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày, không mất thời gian xịt chuồng, tắm rửa cho heo mà nền chuồng, heo vẫn sạch sẽ. Khoảng chuồng rộng, heo có thể tự do đi lại, vận động trên đệm lót hay sàn xi măng nên sức đề kháng cao, tốc độ tăng trưởng tốt, tăng chất lượng thịt. Đặc biệt hệ men vi sinh vật trong đệm lót sinh học hoạt động thường xuyên giúp vật nuôi được giữ ấm trong mùa đông. 

Chị Hjuen Knul, buôn Kram, xã Ea Tiêu đang kiểm tra vườn nấm.
Chị Hjuen Knul, buôn Kram, xã Ea Tiêu đang kiểm tra vườn nấm.

 Ông Nghiêm Đình Đức, cán bộ khuyến nông xã Hòa Hiệp cho biết, nguyên liệu làm đệm lót sinh học chủ yếu là các phế phẩm nông nghiệp như: mùn cưa, vỏ trấu, bột bắp… có sẵn nên hiện tại, ngoài những hộ được Trung tâm khuyến nông huyện hỗ trợ thí điểm, nhiều người dân đã tự bỏ tiền ra làm. Đệm lót sinh học đạt chuẩn có độ dày 60cm, sau khi xử lý chuồng 5 ngày thì cho heo vào nuôi, bổ sung 10cm nguyên liệu/2 tháng/lần để bảo đảm độ tơi xốp cho đệm. Sau vài lứa heo, người chăn nuôi có thể tận dụng đệm để ủ phân hữu cơ, bón cho cây trồng.

Đến khuyến nông cho vùng khó khăn

Với mục đích hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, tháng 12 năm 2014, Trung tâm khuyến nông huyện Cư Kuin đã hỗ trợ 2 mô hình trồng nấm mèo (mộc nhĩ) cho hai gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại buôn Kram, xã Ea Tiêu. Chị HJuen Knul, một trong những người được hưởng lợi từ chương trình cho hay, gia đình được hỗ trợ 100% chi phí trồng 2.000 bịch, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tưới nước…, hiện tại nấm đã và đang cho thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt 0,06 kg nấm khô/bịch; lấy công làm lời, với 2.000 bịch nấm mèo gia đình thu về khoảng 6 triệu đồng. Từ số vốn và kinh nghiệm có được, sau khi thu hoạch nấm mèo, chị HJuen Knul còn tận dụng mùn cưa để trồng nấm sò, nấm rơm cải thiện bữa ăn gia đình, cung cấp cho bà con trong buôn. Tương tự, ông Ama Klô, buôn Kram, xã Ea Tiêu (cũng được hỗ trợ 2.000 bịch nấm từ Trung tâm khuyến nông huyện) cho rằng, nấm  rất được người dân địa phương ưa chuộng, trước đây chủ yếu lấy trong rừng sâu, rất hiếm, nay được Trung tâm khuyến nông huyện hỗ trợ giống, kỹ thuật nên gia đình đã biết cách trồng và chăm sóc. Hiện tại, nấm thu hoạch đến đâu có người mua đến đó, riêng nấm mèo có thể phơi khô bảo quản lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện cho biết, từ năm 2013 đến nay, huyện đã triển khai 9 mô hình trồng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, với quy mô 30m2/20.000 bịch/hộ, tình hình cây nấm sinh trưởng, phát triển tốt, không bị nấm mốc xâm hại, năng suất nấm sò đạt 0.35kg/bịch, nấm mèo 0.06kg/bịch, nấm rơm 1.6kg/mô. Bản thân cây nấm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản, trở thành một trong những giống cây được lựa chọn để phát triển kinh tế, ổn định sản xuất tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, địa phương đang xây dựng đề án nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nấm ăn tại xã Ea Tiêu. Bên cạnh xây dựng các mô hình trình diễn, lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp cho từng vùng, huyện còn đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền về các chuyên đề: tái canh cà phê, thâm canh lúa, ngô, chăm sóc tiêu… cho 1.411 người dân.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc